Tác phẩm là cuộc trao đổi giữa thần Mercure và Charon – người chèo đò chở người chết qua sông chia cách âm và dương… Charon than phiền có những xác chết rất nặng, làm đò chìm, người chết phải rơi vào địa ngục và có những cái xác nhẹ tênh…
Mượn chuyện xưa nói chuyện nay là tài của Cao Huy Thuần. Người đời có hai hạng, hạng sống mà không thấy Charon lúc nào cũng đứng chực sẵn một bên, tham sân si, sống nặng trịch nên chết cũng nặng trịch.
Chỉ một số ít khác nhẹ tênh, nhờ thấy cái gì trên đời cũng nhẹ nhàng, cũng đẹp, cũng đáng ngạc nhiên, nhìn đâu cũng thấy ân huệ của cuộc sống…
Trong nhiều tản văn đầy tính triết học uyên thâm, Giao thừa, Chữ của tôi, Trí tuệ và lòng tin, Sóng và biển, Mẹ tôi, Thúy Kiều và… tôi... là những trang viết ấn tượng; riêng Thì thầm bàn về “Bát nhã”, “Bát bất”, về “Có Không” bằng cách viết rất khéo, rạch ròi và thuyết phục, thấm đẫm “Trí bất đắc hữu vô/ Nhi hưng đại bi tâm” (Trí chẳng đắc có, không/ Mà hưng khởi tâm đại bi)…
Nhưng Quả trứng (Thay lời tựa) mới đúng là Cao Huy Thuần. Như một gửi gắm, một tạ từ, bởi “chút nắng vàng giờ đây cũng vội…”. Bỏ qua một bên chuyện “sứ mệnh văn nghệ” xa vời, giờ đây còn một chút này:
“Xa xôi, lữ thứ, cuối đời nghĩ lại quả trứng ngày xưa, cái hạnh phúc vô biên được cắn vào quả trứng đầu tiên trong đời nghèo khó, mơ màng tưởng như cắn cả buổi trưa, cắn cả phố chợ, cắn cả nguồn cội, cắn cả quê hương…”.
Bởi từ những ngày thơ dại ai mà chẳng nghêu ngao “Trong đầm gì đẹp bằng sen/ Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng”… Thế rồi khi dấn bước vào đời ta đã quên bài học cũ, mải mê tìm kiếm một búp sen vàng sen bạc rực rỡ hào quang ở tận chân trời góc biển.
Cho đến một hôm giật mình: thì ra cái “Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng” kia rốt cuộc cũng chỉ là “Nhị vàng bông trắng lá xanh” đó thôi. Chẳng thêm chẳng bớt. Đóa sen của thiên thu vẫn lung linh giữa gió và nước, giữa đất và bùn, vẫn tủm tỉm cười, vẫn ngát hương thơm…
Cao Huy Thuần viết: “Tôi tương tư mùi đất ruộng. Tôi tương tư làng tôi. Tôi tương tư nước tôi. Càng già, càng trở về với quả trứng.
Càng thấy mình mắc nợ với đứa bé ngày xưa, với gốc gác của nó. Một món nợ không trả được vì nó đã cho mình tất cả, từ trái tim đến máu thịt. Nó cho cả hơi thở, vì đôi lúc một làn gió vô tình thoảng vào mũi mùi gì như mùi lúa nảy đòng đòng. Xa làm sao được quê hương?”.
“Cho nên tôi yêu như đã yêu từ trong trứng, mọi cái tầm thường. Cho nên tôi thấm đạo. Hạnh phúc, đâu phải tìm ở đâu xa. Nó ở ngay nơi mọi cái tầm thường xung quanh tôi. Và nếu mọi cái tầm thường làm nên cái hằng ngày của ta thì ngày nào chẳng là hạnh phúc?” (Quả trứng).
May cho anh, không như Thôi Hiệu “Nhật mộ hương quan hà xứ thị” bởi anh còn có Quả trứng, “quả trứng” của Âu Cơ.