* Video: Khoảnh khắc Eriksen đổ gục trên sân
Eriksen bất ngờ đổ gục khi đang thi đấu – Ảnh chụp màn hình TV
Ngược dòng thời gian, đã có rất nhiều báo cáo về tình trạng đột tử ở các vận động viên chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư xảy ra trong quá trình thi đấu và luyện tập.
Tuyển thủ Cameroon Marc-Vivien Foé 28 tuổi – người từng chơi ở Premier League, đã đột tử khi đang thi đấu cho đội tuyển quốc gia trong trận đấu với Colombia tại FIFA Confederation Cup 2003. Khám nghiệm tử thi cho thấy anh bị bệnh tim di truyền.
Năm 2012, ngôi sao của Bolton Wanderers, Fabrice Muamba, 23 tuổi, đã bị ngừng tim trên sân trong trận đấu với Tottenham Hotspur tại FA cup và may mắn được cứu sống.
Mặc dù tỉ lệ là rất hiếm, chỉ xảy ra khoảng 2/100.000 vận động viên trẻ mỗi năm nhưng đột tử ở các vận động viên, hầu như còn rất trẻ (< 35 tuổi) và không có bệnh nền – những người được coi là đại diện cho lối sống khoa học và lành mạnh – dễ gây hoang mang cho những người chơi thể thao và cả cộng đồng.
Theo Ths.BS Trần Anh Vũ – trưởng đơn vị Y học thể thao của một bệnh viện ở TP.HCM, ‘nghịch lý của thể thao’ là ngoài những lợi ích sức khỏe không thể bàn cãi, việc vận động thể chất, gắng sức quá mạnh có thể làm tăng nguy cơ xảy ra các rối loạn chức năng tim ở những đối tượng có bệnh lý tiềm ẩn.
Tuy nhiên do rất nhiều lợi ích vượt trội của vận động thể chất lên sức khỏe, tâm lý… nên việc duy trì chơi thể thao, vận động lành mạnh chắc chắn là điều chúng ta nên làm. Vấn đề là cần phát hiện các đối tượng có nguy cơ cao bị đột tử khi vận động để can thiệp sớm và các biện pháp cấp cứu, hỗ trợ trên sân thi đấu khi sự cố xảy ra.
Nhiều nguyên nhân có thể gây ngừng tim đột ngột cho vận động viên trẻ khi thi đấu, bao gồm:
– Chấn động tim: ngưng tim do bóng (tennis, bóng chày,..) va mạnh vào thành ngực trước tim.
– Bệnh có tổn thương cấu trúc tim như: Bệnh cơ tim phì đại; Bất thường mạch vành; Bệnh cơ tim loạn nhịp thất phải; Viêm cơ tim cấp; Vỡ phình động mạch chủ: Hội chứng Marfan; Rối loạn nhịp tim (đa phần liên quan đến gen); Nhịp nhanh đa hình thái do cường giao cảm; Hội chứng QT dài và ngắn; Hội chứng Brugada; Hội chứng Wolff-Parkinson-White; Rối loạn nhịp nhanh xuất phát từ đường ra thất phải…
Hầu hết nguyên nhân gây ngừng tim đột ngột ở các vận động viên trẻ đều có nguồn gốc từ di truyền hoặc bẩm sinh, trong đó bệnh cơ tim phì đại chiếm tỉ lệ nhiều nhất, lên tới 27%.
Có nhiều cách để tầm soát các nguyên nhân này bao gồm khai thác kỹ các nguy cơ di truyền từ gia đình, sức khỏe hiện tại, các xét nghiệm kiểm tra (ECG, siêu âm tim) và nhiều xét nghiệm cao cấp khác tùy theo đánh giá của các chuyên gia tim mạch.
Tuy nhiên vẫn có đến hơn 10% các trường hợp ngừng tim đột ngột mà không tìm ra bất thường nào về cấu trúc của tim. Nhiều bệnh lý rối loạn nhịp và bệnh lý gen tiềm ẩn vẫn còn là thách thức trong chẩn đoán đối với y học hiện đại.
Mặc dù việc chẩn đoán để phòng ngừa sớm là vô cùng khó khăn, rất nhiều vận động viên đã được cứu sống một cách ngoạn mục bởi đội ngũ y tế tại chỗ.
Các bác sĩ đang cấp cứu Eriksen trên sân
Quan sát tình huống tiền vệ Christian Eriksen được sơ cứu trên sân vận động, các bác sĩ đã thực hiện các thao tác hồi sinh tim phổi (ấn tim ngoài lồng ngực) kết hợp với việc sử dụng máy khử rung tự động ngoài cơ thể (AED) một cách nhuần nhuyễn và họ đã rất thành công. Hình ảnh tuyển thủ được đưa ra khỏi sân với trạng thái tỉnh táo khiến tất cả chúng ta thở phào nhẹ nhõm.
Trong tương lai, những sự cố tương tự sẽ vẫn là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên với sự hiểu biết rõ ràng về nguyên nhân và sự chuẩn bị kỹ càng về kỹ năng, thiết bị sơ cứu, việc tập luyện, thi đấu thể thao sẽ ngày càng hiệu quả và an toàn hơn.