Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan…
Chuyện kể rằng, Mỵ Nương là con một vị quan lớn. Nàng sống cấm cung trong một lâu đài ven sông. Cũng ở khúc sông này có anh ngư dân tên Trương Chi hằng ngày cắm sào thả lưới mưu sinh. Mỗi khi ngồi chờ gỡ lưới, chàng thường cất tiếng hát (có truyện thì kể rằng chàng thổi sáo). Tiếng hát tuyệt hay của chàng lọt vào nơi kín cổng cao tường khiến Mỵ Nương ngây ngất…
Bẵng đi một dạo, Trương Chi đánh cá ở một khúc sông khác. Mỵ Nương không còn nghe được tiếng hát quen thuộc ấy nữa. Nàng đâm ra tương tư tiếng hát và cả chàng ngư dân chưa từng biết mặt mà đổ bệnh. Thấy bệnh tình con gái ngày càng trở nặng mà không rõ nguyên nhân, quan lớn dò hỏi đám thị nữ mới biết tâm bệnh của tiểu thư. Quan cho mời Trương Chi đến. Vừa nghe tiếng hát quen thuộc, Mỵ Nương lập tức hết bệnh, nói cười vui vẻ. Nàng xin cha cho gặp mặt ân nhân để tạ ơn… Hỡi ôi, thấy dung mạo xấu xí của chàng, nàng quá thất vọng. Từ đó, nàng không còn tơ tưởng gì nữa…
Trương Chi từ khi thấy mặt người đẹp, đâm ra tương tư nhưng tự biết “đũa mốc không thể chòi mâm son”. Chàng ôm mối tương tư mà chết. 3 năm sau mộ chàng được cải táng. Khi đào mộ lên, người ta thấy thịt xương chàng tan rã hết chỉ còn một khối ngọc trong suốt, lấp lánh… Nghe đồn người dân trong vùng đào được ngọc quý, quan lớn liền tìm mua và sai thợ kim hoàn chế tác thành một chiếc chén uống trà. Mỵ Nương nghe cha có chiếc chén quý bèn mượn dùng. Lạ thay khi rót trà vào chén thì trong lòng chén hiện ra chiếc thuyền chài xoay xoay giữa dòng nước và tiếng hát cũng từ miệng chén vang lên… Mỵ Nương chạnh nhớ đến người xưa cảnh cũ, bật khóc… Một giọt nước mắt của nàng rơi vào chén trà, bỗng nhiên chén trà vỡ ra, tan thành nước…
Những ca khúc bất hủ
Nhạc sĩ Phạm Duy cũng có tuyệt phẩm Khối tình Trương Chi (sáng tác tại Huế, năm 1946). Trong hồi ký ông viết: “Về tới Huế kỳ này, tôi có thời gian vừa đủ để nghỉ ngơi bên dòng sông Hương Giang, nhất là cho tôi gặp gỡ một cuộc tình và soạn ra bài Khối tình Trương Chi. Một người con gái có thể được ví như công chúa Mỵ Nương hay một tiểu thư lá ngọc cành vàng đang sống ở trong một dinh thự rất đẹp trên con đường lên Nam Giao đã giúp tôi cảm hứng thay thế anh Trương Chi, hát lên cho hồn người phải thổn thức trong phòng loan…”. Quả thật Khối tình Trương Chi của Phạm Duy đã làm thổn thức biết bao thế hệ yêu nhạc, mở đầu bằng giai điệu êm dịu và du dương, đưa ta vào một không gian sông nước, có tiếng nhạc trầm bổng mê hoặc lòng người của chàng ngư phủ: “Đêm năm xưa khi cung đàn lên tơ. Hoa lá quên giờ tàn. Mây trắng bay từng đàn. Hồn người thổn thức trong phòng loan… Êm êm êm dần lan. Cung Nam Thương mờ vang. Em yêu ai bờ sông nhớ thương ai trong đàn. Xa xa xa rồi tan, cung Nam Ai thở than. Ai thương em lầu buồn mỗi lúc khuya tàn canh…”. Phạm Duy đã sử dụng những điệp từ tuyệt hay trong các câu “Êm êm êm dần lan” và “Xa xa xa rồi tan” khiến người nghe liên tưởng đến những làn sóng nước nhẹ nhàng gợn vào bờ cũng như tiếng hát của Trương Chi trầm bổng, thoắt ẩn thoắt hiện khiến lòng người xuyến xao… “Đêm năm xưa ôm mối tình dở dang. Chôn đáy sông hồn cầm, ai chết đêm nguyệt rằm. Nợ tình còn đó chưa đền xong”.