Đây là sự kiện do Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TT-TT) chủ trì, phối hợp với các đơn vị như Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bảo tàng Tuổi trẻ…
Triển lãm trưng bày nhiều xuất bản phẩm, tư liệu quý về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh như: Đường Kách Mệnh, Nhật ký trong tù, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước, Bản di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Triển lãm có các nội dung: Bác ở nước ngoài; Bác với quê hương Nghệ An; Bác với thủ đô Hà Nội; Bác với Công an nhân dân và Quân đội nhân dân VN; Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh qua những con tem bưu chính; Thế hệ trẻ học và làm theo lời Bác… Triển lãm cũng có các khu vực tư liệu khác nhau như khu tư liệu ảnh, khu tư liệu video, đặc biệt là khu vực sự kiện – nơi ban tổ chức phối hợp các đơn vị xuất bản tổ chức giao lưu, tọa đàm để kết nối bạn đọc.
* Dịp này, NXB Kim Đồng ra mắt 9 ấn phẩm mang đến những góc nhìn sâu rộng hơn về cuộc đời và quá trình hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trước tiên là tác phẩm Búp sen xanh (Sơn Tùng), ra mắt lần đầu năm 1982, đến nay được NXB Kim Đồng tái bản lần thứ 30. Nhà văn Sơn Tùng đã đi khắp đất nước lần theo dấu vết mà cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc – thân sinh của Hồ Chủ tịch từng đi qua. Ông cũng tìm đến những nơi chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành đã đi, gặp những người từng quen biết Nguyễn Tất Thành như người thủy thủ từng biết Bác từ năm 1913, gặp bà Lê Thị Huệ – “mối tình đầu tiên và có ảnh cũng như thơ Nguyễn Tất Thành gửi cho bà”…
Với Thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh, độc giả sẽ cảm nhận rõ tâm tư, tình cảm của chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành khi đất nước đang trong vòng nô lệ. Cuốn thứ 3 của nhà văn Sơn Tùng là Cuộc chia li trên bến Nhà Rồng, được chỉnh sửa từ kịch bản phim Hẹn gặp lại Sài Gòn – bộ phim nhựa công chiếu năm 1990 được khán giả yêu mến. Ở tập truyện này, tác giả khắc họa rõ hơn tình cảm cao thượng và đẹp đẽ của cô gái Lê Thị Huệ (Út Huệ) với chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành. Với Từ làng Sen (lời: Sơn Tùng, tranh: Lê Lam), cuốn sách tranh giúp các em nhỏ hiểu thêm về vị lãnh tụ kính yêu từ thuở ấu thơ cho tới khi Bác ra đi tìm đường cứu nước.
Các tác phẩm còn lại là tiểu thuyết Cha và con (Hồ Phương); Nhìn ra biển cả (Nguyễn Thị Hồng Ngát); Kể chuyện Bác Hồ (nhiều tác giả) được biên soạn dưới hình thức sách tranh khổ lớn; Bác Hồ kính yêu (nhiều tác giả); Nhật ký trong tù (Hồ Chí Minh) – một văn kiện lịch sử quan trọng và là tác phẩm văn học thể hiện tư tưởng, tình cảm của người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc với nhiều thế hệ người Việt Nam.