Khu vực sàng lọc, đo thân nhiệt bằng camera nhiệt hồng ngoại tại Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM – Ảnh: THU HIẾN
Theo Sở Y tế TP.HCM, trước tình hình đã có người nhiễm COVID-19 nhưng không có triệu chứng và không có yếu tố dịch tễ rõ ràng (qua khai báo y tế) đến các bệnh viện làm tăng nguy cơ lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
Bên cạnh việc chủ động xét nghiệm tầm soát COVID-19 hằng tuần cho đối tượng là nhân viên y tế, Sở Y tế TP.HCM đề nghị các bệnh viện thực hiện xét nghiệm tầm soát bằng phương pháp RT-PCR cho người bệnh và thân nhân người bệnh khi người bệnh có chỉ định can thiệp điều trị trong ngày (như phẫu thuật trong ngày, hóa trị, xạ trị… ) hoặc nhập viện điều trị nội trú để tầm soát người mắc COVID-19.
Đối với các trường hợp người bệnh cần được can thiệp điều trị ngay sau nhập viện (như phẫu thuật, thực hiện các kỹ thuật sản phụ khoa…), có thể thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 (kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính vẫn chưa loại trừ được COVID-19).
Đối với các trường hợp nhập viện nội trú nhưng không can thiệp điều trị ngay sau nhập viện, bệnh viện thực hiện kỹ thuật RT-PCR mẫu gộp hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2.
Các trường hợp nhập viện nội trú, khi bác sĩ tiếp nhận người bệnh và khám sàng lọc lại nếu không loại trừ người bệnh mắc COVID-19 (dựa vào triệu chứng hoặc yếu tố dịch tễ) thì thực hiện xét nghiệm bằng kỹ thuật RT-PCR mẫu đơn, không thực hiện mẫu gộp.
Sở Y tế TP.HCM yêu cầu các đơn vị đảm bảo người bệnh mới nhập viện khi chưa có kết quả xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2 cần được bố trí nằm trong các buồng bệnh riêng biệt hoặc buồng cách ly tạm của các khoa, không để tiếp xúc gần với người bệnh đang nằm điều trị và đã có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính.