Ngành y tế TP.HCM lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân trên địa bàn TP Thủ Đức – Ảnh: THU HIẾN
Ông Tăng Chí Thượng – phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM – vừa có văn bản khẩn gửi đến các bệnh viện về việc không bỏ sót người bệnh có yếu tố dịch tễ và yếu tố nguy cơ, đảm bảo vận chuyển người bệnh nghi nhiễm COVID-19 an toàn.
Sở Y tế TP.HCM cho biết tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn TP.HCM còn diễn biến phức tạp. Tính đến thời điểm hiện tại, các bệnh viện thuộc Sở Y tế TP.HCM đã tiếp nhận hơn 500 trường hợp dương tính COVID-19 và dự kiến còn gia tăng trong thời gian tới với khoảng 3,5% trường hợp có diễn tiến nặng.
Để không bỏ sót các trường hợp có yếu tố nguy cơ nhưng tránh quá tải cho người bệnh tại các buồng cách ly của bệnh viện, đảm bảo an toàn cho người bệnh trong chuyển tuyến, Sở Y tế đề nghị các bệnh viện khi có người bệnh từ địa bàn quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) đang thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16 đến khám bệnh, các cơ sở y tế phải được xem là có yếu tố dịch tễ, phải được thăm khám tại buồng khám sàng lọc và tầm soát COVID-19.
Đồng thời trong giai đoạn hiện nay, khi người bệnh không có yếu tố dịch tễ nhưng có một trong các triệu chứng thường gặp của COVID-19 như sốt, đau họng, ho, thay đổi vị giác, khứu giác,…thì phải xem người bệnh có yếu tố nguy cơ, và phải lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 (xét nghiệm nhanh kháng nguyên và Realtime RT-PCR).
Nếu kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính, tiếp tục cách ly đợi kết quả xét nghiệm RT-PCR, triển khai biện pháp phòng chống dịch.
Nếu kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính, cho người bệnh theo dõi sức khỏe và cách ly tại nhà để chờ kết quả xét nghiệm RT-PCR.
Các bệnh viện phải đảm bảo an toàn khi chuyển tuyến theo đúng quy định khi người bệnh có kết quả RT-PCR xác định mắc COVID-19.
Trong trường hợp người bệnh đang trong tình trạng cấp cứu, kíp trực phải đánh giá kỹ tình trạng của người bệnh và xin ý kiến tư vấn chuyên môn của bệnh viện tuyến trên (nơi sẽ tiếp nhận người bệnh) trước khi chuyển viện.
Trường hợp người bệnh trong tình trạng nguy kịch đe dọa tử vong, kíp trực phải xử trí hồi sức cấp cứu tại chỗ, đồng thời kích hoạt “quy trình báo động đỏ liên viện” với các chuyên gia nhiễm, hồi sức cấp cứu của các bệnh viện tuyến trên để được hỗ trợ.
Bệnh viện phải bố trí và phân công nhân sự thường trực tại khu vực cách ly của bệnh viện với chức năng, nhiệm vụ cụ thể đảm bảo theo dõi, chăm sóc người bệnh liên tục.
Đồng thời, thường xuyên tổ chức tập huấn lại cho nhân viên bệnh viện về quy trình khám, sàng lọc, chẩn đoán, xử trí, điều trị bệnh viêm hô hấp cấp do SARS-CoV-2, phòng và kiểm soát lây nhiễm COVID-19.