Năm 1973, tại phòng trưng bày của mình ở Brussels, nhà buôn tranh người Bỉ Isy Brachot đã tạo ra thuật ngữ tiếng Pháp hyperréalisme (chủ nghĩa cực thực) để làm tiêu đề cho một cuộc triển lãm lớn, ấn phẩm quảng cáo tác phẩm của những nghệ sĩ nhiếp ảnh Mỹ và châu Âu.
Thuật ngữ hyperréalisme có nguồn gốc từ triết lý của Jean Baudrillard, đó là”‘sự mô phỏng cái gì đó chưa từng thực sự tồn tại” (the simulation of something which never really existed). Đây là thuật ngữ chung cho một thể loại hội họa và điêu khắc dựa trên nền tảng của khuynh hướng hiện thực – nhiếp ảnh (photorealism), nghĩa là tạo ra một vật thể, một hiện thực ảo sống động, giống như bức ảnh có độ phân giải cực cao, thông qua các hiệu ứng ánh sáng và bóng mờ để rõ ràng hơn, tự nhiên hơn.
Tam Trùng Dã Khánh (Kei Mieno) là nữ họa sĩ Nhật Bản, sinh năm 1985 tại Hiroshima, người đã vẽ tranh chuyên nghiệp hơn 10 năm qua. Cô chủ yếu sử dụng sơn dầu để tạo ra những kiệt tác của mình. Một trong những bức tranh cực thực nổi tiếng của họa sĩ này là Thiếu nữ trong dòng nước (khổ 162.1 x 112.1 cm). Các chi tiết và kết cấu của bức tranh chính xác đến mức khiến người xem dễ nhầm nó với ảnh chụp. Tuy nhiên, Dã Khánh không sử dụng ảnh gốc để vẽ, cô sáng tạo bức này từ hình ảnh mà cô “đã thấy từ trước trong tâm trí”.
|
|
Antoe Budiono là họa sĩ tự học, người đã chứng tỏ bản thân thông qua khuynh hướng cực thực. Anh sinh năm 1965 tại Malang, East Java (Indonesia). Ở giai đoạn đầu của sự nghiệp nghệ thuật của mình, Antoe vẽ các đồ vật trong cuộc sống hằng ngày và sau đó chuyển sang nâng cao kỹ năng của mình với các hình dạng con người.
Tranh của Antoe không chỉ đơn thuần là sự mô phỏng hình ảnh từ ảnh chụp, mà thường tạo sự biểu cảm trên khuôn mặt của nhân vật qua những nét kỳ quặc nhưng hài hước. Để có được bức tranh lý tưởng về kỹ thuật chiếu sáng chiaroscuro, Antoe cạo bỏ một phần sơn, để lộ tấm bạt trắng bên dưới, làm nổi bật những điểm cần phơi bày, đưa tranh cực thực với chất liệu acrylic lên tầm cao mới.
|