‘Tiền kiếp’ và nỗi niềm yêu khắc khoải | Văn hóa

Thơ Nguyên Bình đậm chất trữ tình với một giọng thơ mượt mà, hiền lành và dung dị. Nợ duyên tiền kiếp trời đưa đẩy/ Cũng ánh mắt xưa giờ quá xưa/ Tôi tìm em mãi trong nhân ảnh/ Tiền kiếp vay em trả hết chưa? (Tiền kiếp).

Càng đọc thơ anh, tôi càng hình dung một con người đậm chất Huế với sự trầm tĩnh vốn có và sự từng trải với đời. Có lẽ chính những yêu thương, nhung nhớ về một nhân ảnh trong đằng đẵng ký ức, đã tạo mạch nguồn để từng câu thơ của anh trở nên huyễn hoặc và đầy âm vọng: Hình như đã gặp từ tiền kiếp/ Cái thuở hồng hoang ta nợ nhau/ Rồi sóng trầm luân xô dạt mãi/ Năm tháng mù lòa bao nỗi đau (Một chút xuân thì còn sót lại).

Tình yêu trong thơ Nguyên Bình chưa bao giờ là tình yêu hiện hữu và cả sở hữu mà đầy hư ảo nhưng luôn sống động, cựa mình. Một tình yêu mãi mãi chưa bao giờ chạm đáy, bóng giai nhân tri kỷ chỉ có thể đứng bên bờ hư ảnh, để nhớ nhung và nhung nhớ. Hai chúng mình oằn vai dưới biển đời giông gió/ Khô nước mắt rồi sống thác với cơn mê (Giấc mơ xưa).

Để rồi dù thời gian chồng khuất lên nhau, dù cuộc sống có muôn trùng đổi thay biến chuyển, thì “người thơ” vẫn xuân sắc như thuở ban đầu: Sợi tóc em từ kiếp trước/ Cất trong ngăn kéo đọa đày/ Giờ đây vẫn xanh như ngọc/ Mượt mà dịu mát bàn tay (Còn đó xuân xanh).

Là một nhà giáo tận tụy với nghề và chính những năm tháng miệt mài với trang giáo án, miệt mài nhìn sự trưởng thành của lớp lớp bao thế hệ học trò và nhìn lại cả thời tuổi trẻ của chính mình, đã cho Nguyên Bình cái nhìn thấu đáo hơn về nhân sinh thời cuộc. Bởi vậy nên anh mới điềm nhiên như thế: Dẫu biết cuộc đời là một đóa phù vân/ Vẫn trằn trọc thâu đêm xâu từng chuỗi nhớ/ Trăm năm sau khi kết thành duyên nợ/ Ta với người lần tràng hạt yêu thương (Giờ này).

Cũng có lúc, Nguyên Bình có cảm giác như lạc lối trong bao nhiêu nhớ thương vời vợi của chính mình. Người ta thường nói tình yêu đầu đời hay tình yêu dang dở sẽ là tình không nguôi nhớ. Với anh, tôi luôn có cảm tưởng đó là mối tình rất trọn vẹn ở một khía cạnh nào đó. Em có gởi muộn phiền không tôi chở giúp/ Hết năm rồi đừng giữ lại làm chi/ Chở gió mùa đông lạnh giá đến xuân thì/ Chở mưa ngâu về giao cho miền ký ức/ Chúng mình từng bên nhau là điều có thực… (Cuối năm rồi).

Tham Khảo Thêm:  'Góa phụ đen': Bom tấn mãn nhãn nhưng thiếu kết nối với 'vũ trụ Marvel' | Văn hóa

Họ yêu nhau, nhớ nhau, song hành bên nhau dẫu chỉ bên bờ tâm tưởng của nhân gian. Cũng bởi vì thế nên đôi khi giữa hiện hữu và huyễn hoặc, sẽ có lúc anh nhận ra sự cô đơn lạc lõng xâm chiếm tâm hồn bất cứ lúc nào: Đi qua mùa nhung nhớ/ Bỗng thấy lòng quạnh hiu/ Áng mây chiều xé nát/ Bóng hoàng hôn cô liêu (Cô lữ).

Anh ở đó, yêu và nhớ trong sự tĩnh lặng khôn cùng. Lối cũ chiều nay hoang phế quá/ Xin đừng tưới lệ úa mầm thương/ Em có về ngang vườn hoa dại/ Gói lại giùm tôi một chút hương (Gửi lại hương thề).

Tham Khảo Thêm:  Meghan Markle, Công nương Kate Middleton vào top 25 phụ nữ có ảnh hưởng nhất 2021 | Văn hóa

Cả tập thơ 76 bài, mặc nhiên tôi không hề bắt gặp sự vội vàng, vồ vập như những bài thơ tình thường thấy. Tình yêu trong anh như mặt hồ sâu thi thoảng gợn lên những đợt sóng nhẹ nhàng sâu lắng và ôm trong lòng bao chất chứa. Sau tất cả, anh luôn sẵn sàng nhận về mình những trách hờn giận dỗi và cả những dự cảm về nỗi buồn xa cách của mùa nối mùa khuất lấp: Thơ anh chưa viết nổi một dòng thương/ Chưa vẽ thắm một sắc màu nhung nhớ/ Chưa hẹn thề với mùa thu kết thành duyên nợ/ Nàng quay gót đi rồi/ Xin tạ lỗi với mùa thu (Tạ lỗi với mùa thu).

Với Nguyên Bình, đôi lúc tự mình đối diện với thực tại, với những trống vắng hiện hữu, trái tim anh vẫn đập những nhịp đập yêu thương cho người tri âm tri kỷ. Anh vẫn đợi em về qua lối cũ/ Triền dốc xưa hai đứa mãi hẹn hò/ Núi mù sương chìm biển nhớ hoang vu/ Chúng mình đã bên nhau bao năm tháng (Qua lối cũ). 

Trong cõi nhân sinh dài rộng này, có bao nhiêu người yêu nhau và đến được với nhau trong trọn vẹn, có bao nhiêu người yêu nhau chỉ bằng cả một trời thương nhớ và có bao nhiêu người yêu hết mình như đã hẹn nhau từ “tiền kiếp” như Nguyên Bình? Anh đã đi qua một thời tuổi trẻ với bao nhiêu cung bậc cảm xúc, có yêu thương hờn giận, có ngọt ngào đắng đót nên đến bây giờ, anh đủ sự trầm tĩnh trong những suy tư về tình yêu và đón nhận mọi thứ: Có lẽ tình yêu là như thế/ Không là trên áo vết son môi/ Có lẽ tình anh là như thế/ Không cần hò hẹn với chia phôi (Vậy đó).

Tham Khảo Thêm:  Cá nục, cá cơm, cá thác lác... rim - kho - làm chả không chán mỗi ngày

Nhưng dẫu có bình thản đến thế nào, vẫn có những phút giây người trong cuộc không khỏi chạnh lòng về một mối tình đã trở thành quá vãng. Đó là niềm đau không dễ nguôi ngoai của nhân vật trữ tình “ta” suốt đời đi tìm hạnh phúc nhưng chưa bao giờ đến đích. Ta là ta của tháng ngày trôi/ Bạc đầu chỉ nhớ đến em thôi/ Ta là ta cả đời hoài vọng / Một chút mơ hoang cũng… cút côi (Chỉ là ngày xưa).

Tiền kiếp mang mang một nỗi niềm yêu khắc khoải. Bởi vậy nên khi gấp sách lại, chính bản thân tôi cũng mang mang một nỗi buồn về tình yêu không chạm đáy. Có lẽ ai cũng một lần trong đời có một mối tình khắc cốt ghi tâm và một thời nhớ mong hò hẹn. Vậy nên những trở trăn con chữ trong thơ Nguyên Bình mới dễ dàng chạm đến tận cùng cảm xúc. Và tôi nghĩ, dẫu đầy khắc khoải, dẫu chưa có tình yêu viên mãn nhưng ở một khía cạnh nào đó nhân vật trữ tình “Tôi/ Ta/ Anh” trong thơ Nguyên Bình vẫn là người hạnh phúc. Vì lúc nào, ở đâu họ cũng xem tình yêu như một thứ đức tin, sống hết mình, yêu hết mình bằng tình yêu chân thành không hề toan tính hay vụ lợi. Sống trên đời chỉ biết nghĩ về nhau!



Viết một bình luận