Dịch giả – nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Chiến – Ảnh: tư liệu
20 tác phẩm đã xuất bản bao gồm biên khảo, nghiên cứu, tiểu luận, dịch thuật…, trong đó có nhiều tác phẩm liên quan Phật học.
Ngoài thơ ca và truyện ngắn, chàng còn sáng tác ca khúc và là tay chơi guitar rất ngọt. Cung trầm là tập ca khúc đã được in của Chiến. Những người yêu mến Huỳnh Ngọc Chiến vẫn thi thoảng vào huynhngocchien.com để thưởng thức các ca khúc.
Tôi vẫn thường gọi đùa người con Quảng Nam đa tài Huỳnh Ngọc Chiến là “Quảng Nam Tam Thánh Huỳnh Ngọc Chiến” để ví với “Côn Luân Tam Thánh Hà Túc Đạo” – một nhân vật trác tuyệt về kiếm, cờ và đàn trong truyện Cô gái Đồ Long của Kim Dung.
Khi nghe tôi gọi thế, Chiến cười bảo: “Đại ca đừng chọc quê em. Nói e đại ca không tin chớ em từng dạy nhạc Trường cao đẳng Sư phạm Đà Nẵng 8 năm, từng dàn dựng và chỉ huy hợp xướng cho gần 70 em hát. Mà em không có bằng cấp chi về âm nhạc hết, sơ cấp cũng không. Cái nớ mới đã!”.
Huỳnh Ngọc Chiến đúng là người thông minh kỳ tài, tự học về tin học rồi đi dạy tin học, tự học nhạc rồi đi dạy nhạc, tự học tiếng Anh, Pháp, Đức, Hoa, Phạn ngữ… rồi viết và dịch sách, mà toàn loại sách thâm sâu ảo diệu như: Phản triết học nhập môn của Gen Kida, Tinh hoa triết học Vedànta của Swami Vivekananda, Đạo Phật và khoa học của P. Dahlke, Diệu nghĩa Kinh Lăng Già của Suzuki, Tánh Không: Cốt tủy của triết học Phật giáo của T.V.Murti, U mộng ảnh của Trương Trào (tác gia đời Thanh ở Trung Hoa), Di sản phương Đông của Will Durant…
Trong số tác phẩm của Huỳnh Ngọc Chiến để lại cõi nhân gian, tác phẩm được đông đảo người đọc yêu thích và được tái bản nhiều lần chính là Lai rai chén rượu giang hồ. Đó là tập tiểu luận khai mở về khía cạnh tư tưởng triết học, Phật học… theo góc nhìn của Huỳnh Ngọc Chiến qua các tác phẩm võ hiệp nổi tiếng của Kim Dung một thời.
Than ôi, một người tài hoa như thế mà lại ra đi ở tuổi 66 thật đáng tiếc!
Bốn ngày trước khi Chiến mất, tôi gọi cho Chiến và hỏi thăm về tình trạng sức khỏe, Chiến vui vẻ cho biết tình hình đã cải thiện rõ rệt, không đau đớn như trước nữa. Chiến còn bảo với tình trạng sức khỏe này thì tháng 7 tới sau khi dịch COVID lắng xuống, Chiến sẽ vào Sài Gòn gặp lại anh em. Ấy vậy mà 10h sáng 2-6, tôi nhận hung tin Chiến vừa mất vào tối 1-6.
Người anh của Chiến cho biết Chiến ra đi tương đối nhẹ nhàng, chỉ sau một cơn quặn đau rồi mất. Thôi thì đó cũng là niềm an ủi…
Điều đáng nói là ngay từ lúc phát hiện bị ung thư thực quản, Chiến đã chuẩn bị cho mình một thái độ bình tĩnh rất mực trước cái chết. Ngày 2-10-2020 trong khi hóa trị lần hai ở Bệnh viện Chợ Rẫy, Chiến làm thơ và gửi cho tôi qua Viber ngay lúc còn đang ngồi trên ghế hóa trị: “Hôm nay tóc rụng hết rồi/ Lần hai hóa trị lại ngồi thi gan/ Vội ghi lại một vài hàng/ Xem như gửi lại trần gian đôi lời/ Mai đây khởi sự xa đời/ Cơn mơ nào sẽ đưa người ngàn thu?/ Xin khi vào cõi Không Hư/ Hóa thân thành một lời ru dịu dàng/ Bao nhiêu mộng ước dở dang/ Sẽ thành tựu với Cung Đàn Trùng Sinh”.
Gần 8 tháng sau khi viết bài thơ đó, hôm nay con người tài hoa Huỳnh Ngọc Chiến đã vào cõi Không Hư thật rồi…
Tiễn đưa Huỳnh Ngọc Chiến vào cõi Không Hư, cùng là Phật tử như Chiến, tôi cầu xin Đức Phật độ trì để hương linh Chiến được sớm siêu sinh tịnh độ.