Chị chầm chậm mặc lên người bộ áo tang, đội lên đầu chiếc khăn tang trắng toát. Bà con hàng xóm, anh em nội ngoại, bạn bè thân hữu bắt đầu tới viếng. Tiếng đàn nhị như kéo theo những vết xước dài khứa vào lòng Diễm. Khói hương nghẹt thở, tiếng khóc nỉ non, Diễm như cái cây không rễ chỉ muốn đổ gục xuống bất cứ lúc nào. Ai đó giật gấu áo Diễm nhắc: “Khóc đi con. Khóc cho nhẹ lòng. Khóc cho chồng con đỡ tủi”. Diễm cũng muốn khóc lắm. Không phải cho người nằm trong quan tài kia mà là khóc cho mình. Nhưng mọi đau hận cứ dồn nén lại căng tức trong lồng ngực không cách nào trào được ra ngoài. Hai đứa con đều đang ở nước ngoài, dịch bệnh không thể bay về. Diễm chỉ có một mình ở đây, sự cô độc như những ngọn chông nhọn hoắt đầy tính sát thương chĩa về phía chính mình. “Vĩnh ơi. Chết là hết ư? Anh ra đi dễ dàng như thế được ư?”. Ngay cả những lời trách móc ấy Diễm cũng ghìm lại trong cổ họng. Lời xót xa vọng lại bên tai: Tội nghiệp, người giỏi giang thế mà chết; Rõ khổ, vừa hiền lành tốt bụng lại yêu vợ thương con, ấy thế mà vắn số; Khổ thân chị vợ, chồng mất sớm mà con cái ở xa. Chẳng biết bao giờ mới nguôi ngoai được… Mẹ chồng vịn tường lại ôm chầm lấy Diễm: “Khổ thân con, còn trẻ mà phải sống thờ chồng giống mẹ”. Diễm ghì mạnh vạt áo tang, chỉ nghe thấy tiếng nuốt nước bọt khô khốc trong cổ họng.
– Mấy ai dám như chị. Dù thiên hạ khối người ngày đêm ôm mộng bỏ chồng.
– Mình có sống với thiên hạ đâu em. Họ cười mãi rồi cũng chán.
Diễm cũng nghĩ như thế hàng đêm. Phải ly hôn. Phải làm bung bét chuyện Vĩnh ngoại tình. Phải kết thúc ở đây để sống một trang đời tươi mới. Nhưng sáng ra, vừa mở mắt đã thấy tấm ảnh chụp chung cả gia đình hiện ra ngay trước mặt. Diễm lại nghĩ đến hai đứa con sắp đến tuổi gả chồng. Việc bố mẹ ly hôn cũng ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lý các con. Diễm không muốn chúng mang theo vết thương lòng và những hoài nghi về hạnh phúc khi đứng trước ngưỡng cửa hôn nhân. Rồi khi ánh sáng rờ rỡ hiện ra Diễm không thể vượt qua được nỗi sợ hãi những lời đàm tiếu bủa vây, soi mói mỗi ngày. Đã có lúc nhìn vết son môi trên cổ chồng, Diễm hỏi:
– Anh không sợ tôi làm ầm ĩ lên thì anh sẽ mất rất nhiều thứ à?
– Em cứ coi như không nhìn thấy gì hoặc coi nó như một vết bẩn là xong.
– Có những vết bẩn không bao giờ gột sạch, anh biết chứ?
***
– Lúc khó khăn nhất tôi phải bán căn nhà ở quê. Tôi không mang theo được gì ngoài ký ức và cây dẻ này chị ạ.
– Chắc tuổi của cây cũng gần bằng tuổi chúng ta, anh nhỉ?
– Hồi tôi lên mười, bố tôi trồng xong cây dẻ này thì đi. Kể từ đấy ông không bao giờ quay lại nữa. Tôi nghe dân làng bảo bố tôi đi theo tiếng gọi của tình yêu.
– Vậy tại sao trước khi đi ông lại trồng cây dẻ mà không phải một loại cây nào khác?
– Tôi đoán vì mẹ tôi thích loài hoa dẻ. Đấy có thể là điều tốt đẹp cuối cùng ông dành cho bà. Nhưng ông không biết rằng để lại một thân cây là để lại thứ ký ức mãi tươi xanh nhức nhối trong lòng người đàn bà bất hạnh. Bởi nhìn cây là nhớ tới người. Nhìn hoa mà thấy rờ rỡ nỗi đau tồn tại trong tim.
– Vậy tại sao anh còn muốn mang cây dẻ theo mình? Sao không để nó lại mảnh đất ấy? Hoặc là chặt nó đi?
– Bởi vì tôi yêu tất cả những gì thuộc về mẹ. Với tôi mà nói ký ức về mẹ luôn đẹp đẽ. Tôi yêu cả những nỗi đau của bà. Yêu như yêu vết thương trên chính cơ thể mình.
– Vậy anh có trách bố mình không?
– Lúc bé thì có nhưng lớn lên thì không. Tôi hiểu rằng chẳng có gì giữ chân được một người ngoài hạnh phúc. Đi hết nửa đời người mới nhận ra hận thù, trách móc ai đó chẳng làm tôi vui được.
Diễm cũng không hiểu tại sao những người xa lạ gặp nhau thường dễ trải lòng. Sau vài ba lần đến điều trị tại phòng khám của Quân, chị thấy được làn gió tươi mới hiu hiu thổi trong trái tim héo hắt của mình. Nhiều chuyện bức bí trong lòng khi nói ra thấy nhẹ nhõm hơn. Có lúc phòng khám vắng khách, giọng hát của Tuấn Ngọc vang lên: “Khi thấy buồn em cứ ghé chơi/Chim vẫn hót trong vườn đấy thôi/Chỉ có trong tôi ngày đã sang đêm lâu rồi…”. Quân như chìm vào tiếng ca, mê mải lần tìm theo dấu vết của ký ức.
– Trước kia cô ấy luôn ngồi ở đây, trên chiếc ghế này, đúng chỗ Diễm đang ngồi đó. Cô ấy ngồi để hong tóc cho khô. Ngày nào cô ấy cũng gội đầu, thói quen ấy có từ lúc bé. Cô ấy nói không chịu đựng được khi vô số những hạt bụi bám đầy trên người. Chúng nhặm nhượi đến mức tưởng như da thịt hay từng sợi tóc cũng sắp bị ăn mòn.
– Sao tôi đến mấy lần mà không gặp vợ anh?
– Cô ấy đi đã được ba năm. Sự bình yên nơi này không thể giữ nổi chân cô ấy. Cô ấy thuộc tuýp người sợ những gì cũ kỹ. Tôi lại là kiểu người ưa hoài niệm.
– Anh có nghĩ cô ấy sẽ quay về?
– Không đâu. Với cô ấy nơi này đã thành bụi. Cũ kỹ và nhặm nhượi. Mà Diễm có sợ bụi không?
– Chẳng phải chúng ta ai rồi cũng trở về với cát bụi đấy sao.
Diễm chìa trước mặt Vĩnh tờ đơn ly hôn. “Anh ký nó đi, ngay bây giờ. Để giải thoát cho nhau”. Vĩnh hơi sững sờ, có thể vì anh nghĩ chị sẽ không bao giờ làm vậy. Trong suy nghĩ của Vĩnh, chị sẽ cam chịu sống một cuộc đời như thế với mọi sự sắp đặt của anh. Vĩnh biết chị sợ điều tiếng và trọng danh dự. Vĩnh tin chị sẽ chấp nhận làm cái bóng của mình để yên ổn sống suốt phần đời còn lại. Anh cũng như bao người đàn ông khác dù có quan hệ ngoài luồng bên ngoài nhưng chưa bao giờ nghĩ đến chuyện ly hôn. Nhìn tờ đơn trên bàn, Vĩnh nói:
– Không phải bây giờ.
– Vậy thì bao giờ? Khi anh ngồi yên vị trên chiếc ghế giám đốc bệnh viện à? Em không muốn diễn mãi cái tuồng làm hậu phương vững chắc của anh. Em còn phải sống cho mình nữa.
– Anh đã phấn đấu suốt hơn hai mươi năm… Em làm ơn yên tĩnh được không?!
Giờ ngồi trước di ảnh của chồng, từng lời nói còn vọng trong tâm trí Diễm. Chuyện hôm đó như mới vừa xảy ra. Một trận cãi vã nảy lửa và cái tát còn đau thấu tận tim, những ngón tay của Vĩnh như vẫn đang hằn trên má Diễm. Lúc nghe tin Vĩnh bị tai nạn ở một cung đường xa lắc Diễm đã vội vàng tìm đến. Suốt nhiều năm nay Vĩnh luôn đồng hành cùng đoàn y bác sĩ đi khám chữa bệnh miễn phí cho bà con dân tộc miền núi. Vĩnh nói sau chuyến đi này cả hai vợ chồng sẽ cùng ngồi lại bàn tính chuyện ly hôn. Đến nơi Diễm mới biết chuyến đi này không chỉ có mình Vĩnh. Trong số những bác sĩ đi cùng có cả cô nhân tình xinh đẹp của anh. Diễm tìm thấy trong túi áo ngực của anh tờ đơn ly hôn được gập gọn. Trên đơn vẫn không có chữ ký của anh. Anh chọn cách giải thoát cho Diễm như thế này ư? Hay nó chính là sự trói buộc cuối cùng…
Nơi Diễm sống thấp thoáng vài bóng người góa phụ. Chồng chết họ mặc màu áo tối hơn, kín đáo hơn. Họ lui về góc nhà chăm chút cho những đứa con và phụng dưỡng bố mẹ chồng. Họ không dám tếu táo vui đùa với đàn ông giữa chốn đông người. Họ thôi nói về tình yêu và sợ hãi trước những lời đàm tiếu. Họ sợ nếu hẹn hò yêu đương thì con cái ra đường không dám ngẩng mặt nhìn ai. Sợ nhà chồng đánh giá “già rồi còn dửng mỡ”. Trong mắt mọi người tình yêu của Vĩnh dành cho vợ con hoàn hảo đến mức họ nghĩ Diễm sẽ dành cả quãng đời còn lại để thủ tiết thờ chồng. Thế mới biết có những thứ định kiến giết chết người ta ngay cả khi còn sống.
Những ngày tháng này Diễm không muốn nghĩ nhiều. Vĩnh vẫn quanh quẩn đâu đó trong tiềm thức. Chỉ còn mình chị trong căn nhà quá rộng. Không còn người để vì nhau, trách nhau, chất vấn đúng sai. Vĩnh đi, ngay cả một lời xin lỗi cũng chưa từng nói. Chỉ hương khói lặng câm không một tiếng vọng nào. Nếu có thật một thế giới bên kia chắc Vĩnh sẽ không ngoảnh lại. Anh đã nắm lấy tay người phụ nữ của mình phiêu diêu ở một vùng trời khác. Dạo này Diễm hay mơ thấy lưng chồng. Vẫn là tấm lưng quen thuộc mà bao nhiêu năm nằm quay về phía chồng, chị nhìn thấy nó. Những vầng mây trắng đón Vĩnh đi. Diễm cũng không còn muốn nghĩ về những ngày tháng cũ. Trong giấc mơ của mình, Diễm thấy thoảng xa xôi hương hoa dẻ…