Thiên táng có mặt tại Việt Nam lần đầu tiên vào năm 2009, qua bản dịch của Thanh Loan. Mới đây, tháng 7/2021, Nhã Nam và NXB Hà Nội đã cho tái bản cuốn sách này. Một lần nữa, độc giả lại có dịp thổn thức cùng câu chuyện.
Theo lời Hân Nhiên, từ cuộc gặp gỡ với một người phụ nữ đặc biệt, cô đã viết lại câu chuyện của bà. Vậy nên, có thể xem Thiên táng là cuốn hồi ký hoặc tự truyện được viết giùm. Câu chuyện này xảy ra vào năm 1950, thời điểm nhiều biến động của lịch sử Trung Quốc.
Tây Tạng vào thời điểm đó và cho đến bây giờ vẫn là vùng đất nhiều bí ẩn. Những cản ngăn, khuyên nhủ không làm nguôi ý chí của Thư Văn. Cô nhớ mãi lời của người lính chỉ huy đã nói với cô trước khi lên đường: “Chỉ sống được cũng đã là chiến thắng”. Con đường tìm kiếm Khả Quân vốn khó xác định ngày về nhưng ở mỗi chi tiết, mỗi giai đoạn, người đọc đều thấy rõ tình yêu và niềm tin sẽ tìm thấy người mình yêu chưa bao giờ vụt tắt. Có lẽ, tình yêu là điều đọng lại sâu sắc nhất sau khi đọc Thiên táng.
Không chỉ làm người đọc thổn thức bởi tình yêu bất tận và khốc liệt, cuốn sách còn đem đến cho độc giả một góc nhìn về con người và vùng đất Tây Tạng. Một cô gái con nhà dòng dõi đem lòng yêu chàng chăn ngựa, sẵn sàng từ bỏ địa vị để giữ gìn tình yêu. Một gia đình du mục sẵn lòng cưu mang, bảo vệ cho những người xa lạ. Một người Tây Tạng ốm yếu đã rong ruổi từ nơi này sang nơi khác để hát bài ca nhắc nhở về người đã cứu mạng mình. Tất cả những gì họ có ngoài bản năng sinh tồn là một trái tim nồng nhiệt và đức tin vĩnh cữu.
Thật khó để lý giải cảm xúc của tôi sau khi đọc xong Thiên táng. Đó không chỉ một sự ám ảnh đầy xúc động mà còn là một sự vị nể vô cùng. Qua Thiên táng, Tây Tạng hiện ra với vẻ mênh mông và khắc nghiệt, mùa nắng thì cháy da, mùa đông buốt giá. Những thảo nguyên bất tận, đồng cỏ trải dài và mười ba ngọn núi sừng sững, ghi lại dấu tích cho những ai muốn tìm kiếm những gì đã mất. Giữa không gian mênh mông và thời gian vô định, con người nhỏ bé nhưng kiên cường bản lĩnh. Và mấu chốt cho tựa đề cuốn sách – Thiên táng chính là một thủ tục mai táng của người Tây Tạng. Hình ảnh về “thiên táng” cũng chính là câu trả lời cho cái chết của Khả Quân.
Nhà văn Hân Nhiên đã để cái kết của cuốn sách bỏ ngỏ cùng lá thư gửi cho Thư Văn. Thời gian và những biến động khắc nghiệt của nó đã làm mọi thứ đổi thay, sau ba mươi năm, quê nhà và người thân của Thư Văn chỉ còn trong ký ức của bà. Liệu bà còn đủ sức để theo đuổi cuộc tìm kiếm thứ hai ngay trên chính quê hương mình. Chính tác giả cũng không biết điều này nên độc giả của Thiên táng càng tò mò và day dứt hơn chăng?