Tầm vóc Danh tướng Võ Nguyên Giáp trong ‘Đường về Thăng Long’ | Văn hóa

Đường về Thăng Long dày gần 600 trang khổ lớn, chuyển tải một nội dung rất phong phú, có “độ mở” về không – thời gian rất rộng. Tác phẩm đã được tặng giải thưởng trong cuộc thi tiểu thuyết 3 năm (2016 -2019) của Hội Nhà văn Việt Nam, được đọc trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam và NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh đang xúc tiến việc tái bản.

Trong Đường về Thăng Long, tác giả Nguyễn Thế Quang không chỉ miêu tả một danh tướng Võ Nguyên Giáp, mà mở rộng diện phản ánh một thời kỳ lịch sử quan trọng của đất nước những năm đầu thế kỷ 20 với nhiều nhân vật tên tuổi khác nữa và nhờ thế tầm vóc của Võ Nguyên Giáp càng nổi bật. Bạn đọc “gặp lại” ở đây nhiều nhân vật đã có nhiều sách báo nói đến: từ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh đến Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, và cả Trần Trọng Kim, Nguyễn Tường Tam, Hoàng Xuân Hãn, Bảo Đại… Chỉ khác, với tư duy một nhà tiểu thuyết đã từng có kinh nghiệm viết các tiểu thuyết lịch sử như Nguyễn Du, Thông reo Ngàn Hống (Giải thưởng Hội Nhà văn 2015 và Giải thưởng Văn học Đông Năm Á 2016), các tên tuổi lịch sử trong Đường về Thăng Long là những con người sinh động, với những thao thức, trăn trở trước nhiều ngã rẽ của thời cuộc và cả những “góc khuất”, những điều riêng tư mà chính sử ít khi nói đến.




Tầm vóc Danh tướng Võ Nguyên Giáp trong 'Đường về Thăng Long'  - ảnh 1

Nhà văn Nguyễn Thế Quang trò chuyện với bạn đọc về tác phẩm Đường về Thăng Long

Chỉ xin dẫn cách tác giả “hư cấu” dựa trên một chi tiết có thật. Trong chuyến công cán các tỉnh miền Nam đầu năm 1946 theo chỉ thị của Bác Hồ, khi gặp Hải Triều ở Huế, Võ Nguyên Giáp liền hỏi “nhà thờ cụ Phan còn nguyên vẹn không”… Và thế là hai người cùng nhớ lại lần gặp cụ Phan Bội Châu buổi sáng xuân Đinh Mão 1927. Qua ngòi bút nhà tiểu thuyết, bạn đọc hôm nay sẽ được “sống lại” không khí gần một thế kỷ trước cùng với các trí thức tên tuổi không chỉ của Huế. “… Sáng xuân ấy trời se lạnh. Tuy đến sớm nhưng trong nhà đã có bà Đạm Phương, cô Trần Thị Như Mân, chị Bội Lan, chị Thể Chi, cùng mấy cô và Nguyễn Khoa Văn. Thầy Võ Liêm Sơn (*) chắp tay kính cẩn nói:

– Kính thưa cụ. Hôm nay một số thầy trò trường Quốc học đến đây xin bày tỏ sự ngưỡng mộ bậc chí sĩ anh hào, kính chúc cụ vẫn khang cường để bày vẽ cho lớp hậu sinh luôn tấn tới.

Thầy đọc bài thơ mừng thọ cụ vào tuổi sáu mươi:

“ Phan tiên sinh là người hào kiệt

Mười năm xưa đọc hết sách thánh hiền…

Mọi người lắng nghe. Quanh vườn, cây cối cũng đứng lặng. Gió xuân như ngừng thổi. Giọng thầy Võ Liêm Sơn càng về cuối càng hào hứng.

Cụ Phan Bội Châu cảm ơn thầy Võ Liêm Sơn và mọi người.

-… Lớp chúng tôi cũng già rồi, giờ chỉ trông vào lớp trẻ. Tết ni, tôi có bài thơ chúc tết thanh niên.

“ Xuân ơi xuân xuân có biết cho chăng

Thẹn cùng sông, buồn cùng núi, tủi cùng trăng

Hai mươi năm lẻ đã từng chua với xót…”

Võ Giáp nghe mà lòng háo hức.

“Đúc gan sắt để dời non lấp bể

Xối máu nóng rửa vết dơ…”

– Từ buổi ấy đời mình đổi khác… Võ Nguyên Giáp cất tiếng nói với Hải Triều…”

Đoạn văn trích dẫn không chỉ “mở rộng” cho chúng ta thấy bối cảnh và nhiều nhân vật hiện đại có tầm cỡ trong giai đoạn biến động phức tạp của lịch sử trước Cách mạng tháng 8 mà còn giúp bạn đọc hiểu thêm nhân cách, tài năng Võ Nguyên Giáp đã được hình thành như thế nào. Nói cách khác, Võ Nguyên Giáp là con người có khả năng đặc biệt, biết hấp thu những tinh hoa của dân tộc và của cả thế giới nữa.

Có thể nói như thế khi đọc đoạn tác giả miêu tả cảnh Võ Nguyên Giáp vào tận mặt trận ác liệt Nam Trung bộ đầu năm 1946, trên đường trở lại Hà Nội, đã ghé về Vinh. Qua những trang “hồi cố”, chúng ta biết thời trẻ Võ Nguyên Giáp đã sống một quãng thời gian rất có ý nghĩa với thầy Đặng Thai Mai và gia đình nho sĩ họ Hồ, bao lần thân thiết trò chuyện với Nguyễn Thị Quang Thái như trong nhà mình.

“… Đêm hè tháng 7-1933, tại đây anh đọc cho Thái nghe bài thơ của Louil Aragon “Tháng bảy của tuổi xuân”: …Màu tháng bảy là màu Pháp quốc/ Tháng cẩm chướng nở hoa/ Tháng dân chúng đã ghi/ Trên nhà ngục Bastile…”.

… Giáp nói với Thái về thơ Huygo, về nỗi đau của những người đi biển trong bài thơ “Đêm đại dương,” vẻ đẹp của hình tượng lão nông trong bài “Người gieo hạt”. Tiếng Giáp trong, thỉnh thoảng đọc nguyên văn tiếng Pháp, giọng đầy xúc động. Thái nghe, trong mắt như có lửa, như muốn nuốt từng chuỗi âm thanh ấm áp. Tim đập rộn ràng, lòng Thái như say. Cả hai người như say…”

Đôi bạn trẻ “say” nhau và cũng “say” với bài thơ của thi sĩ cộng sản L. Aragoncác nổi tiếng cùng các giá trị tinh hoa của văn hóa Pháp. Võ Nguyên Giáp đã trưởng thành lên từng ngày như thế, từ tuổi thơ nghe mẹ kể chuyện ông ngoại đánh Tây trong phong trào Cần vương, nghe ông ngoại dạy dỗ rằng con người muốn làm nên sự nghiệp phải có cả “võ” lẫn “văn”; và đặc biệt nhất là những năm tháng được sống, làm việc cạnh Bác Hồ cùng nhiều nhà cách mạng, trí thức tên tuổi trong thời đoạn đầy thử thách sau Cách mạng tháng 8 mà tác giả dành phần lớn cuốn sách để tái hiện. Cũng có thể nói đó là “con đường” đã đào luyện nên vị tướng có công đầu trong chiến thắng Điện Biên…

***

Như chúng ta đã biết, cuối năm 1946, Võ Nguyên Giáp cùng những chiến sĩ tạm rời Hà Nội, bước vào cuộc trường chinh gian khổ… “Giáp cảm nhận gánh nặng giang sơn đè nặng lên vai mình. Anh chợt nhớ đến Vĩnh Thụy, Trần Trọng Kim, Nguyễn Tường Tam…họ đang ở phương nào?… Dẫu sao thì ta vẫn phải quyết chiến và tìm con đường ngắn nhất về lại Thăng Long…”.

Giữ đúng lời hẹn ấy, 8 năm sau, đội quân chiến thắng dưới quyền Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã qua cầu Long Biên về lại Thăng Long và ngày 1.5.1955, lễ duyệt binh mừng bộ đội và chính phủ trở về Thủ đô diễn ra giữa cờ hoa rực rỡ. Trong phần “Vĩ Thanh”, tác giả đã miêu tả cuộc gặp gỡ thật có ý nghĩa sau lễ duyệt binh ấy giữa các nhân sí trí thức tiêu biểu nhất thời đó:

“… – Một cuộc Thăng Long tái ngộ thú vị…

Đặng Thai Mai nhìn Phan Anh và Võ Nguyên Giáp.

– Tiếc rằng bọn mình còn thiếu một người.

– Người nào?

– Anh Nguyễn Tường Tam.

Cả mấy người chững đi trong giây lát, Võ Nguyên Giáp điềm đạm:

– Nghe đâu anh ấy có về nước và nay lại vào Sài Gòn rồi phải không?

Phan Anh trả lời:

– Đúng vậy. Hồi trở về Thăng Long, anh ấy có đến gặp anh Hãn. Anh ấy tuyên bố không làm chính trị nữa. “Làm chính trị khó lắm. Tôi không đủ kiên định mà cũng không đủ bản lĩnh lại rất ảo tưởng… Tôi sẽ làm sống lại Tự lực văn đoàn…”.

Một vị tướng khi đứng trên đỉnh cao quyền lực và vinh quang vẫn nghĩ đến những con người vì lẽ này hay cớ khác đã không đi cùng con đường với mình! Không phải ngẫu nhiên Võ Nguyên Giáp có bí danh là “Văn”! Chợt nghĩ: Có phải nhờ tính nhân văn cao đẹp ấy, lại biết hấp thu những tinh hoa của quê hương, dân tộc và của cả thế giới – từ cụ Phan Bội Châu đến V.Huygo, từ Trần Hưng Đạo đến Napoléon Bonaparte – một thầy giáo trường tư thục Thăng Long đã trở thành danh tướng Võ Nguyên Giáp?…



Tham Khảo Thêm:  Trống tầm vông có phải là trống cơm ? | Văn hóa

Viết một bình luận