Những năm gần đây, độc giả quen dần với việc tiếp cận dòng sách chữa lành, mang giá trị tinh thần rất cao và hướng đến việc tu tập thân – khẩu – ý để hoàn thiện thân tâm. Có lẽ đời sống bộn bề, đầy xáo động ngoài kia đã khiến chúng ta ít nhiều rất mệt mỏi giữa những thứ gần như không thể kiểm soát. Những tham sân si, những tranh giành, oán hờn, buồn đau, giận dữ, hoặc đang chìm trong mê đắm của những lời khen ngợi, tụng ca rồi đâm ra tự mãn… Tất cả, như tác giả Lưu Đình Long nói, đều “độc hơn thuốc độc”. Sách Tâm kinh mình thuyết cho mình là cách Long gợi mở cho độc giả hành trình tự lắng nghe, chiêm nghiệm chính mình, tìm ra những hạt lành từ tâm thiện trong phần người cốt lõi của mình, rồi từ đó tập tưới tẩm cho hạt lành ngày một tốt tươi, thơm thắm.
Chúng ta chỉ có một cuộc đời để sống. Và những phát tâm thiện lành trong chính mình, cũng chỉ có một đời để vun bồi. Nhưng cái nhân thuần khiết của những hạt lành đó, nếu ta chịu khó nhìn ra, bồi đắp thì nó sẽ còn hiển hiện ở cả những cuộc đời nối tiếp, là con, là cháu chúng ta.
Những hạt lành đó, có hạt chứa nhân là tình yêu thương. Cũng giống như việc ăn uống để nuôi thân, con người cần có tình cảm (trong đó có yêu thương) để nuôi tâm hồn. “Ăn uống không đúng cách sẽ hại thân, yêu thương không đúng cách sẽ bào mòn tinh thần, làm mình đau đớn, khổ sở – có nghĩa là hại tâm” ( Vì thọ thân người). Trong tình yêu thương đó, nhất là tình yêu lứa đôi, vợ chồng, làm sao không vướng khổ đau. Nhưng rồi khi ta nhìn ra cội rễ của khổ đau, cùng nhau vượt qua nó mới thật là một tình yêu lớn. Và theo Long “Trong tình yêu, sống được với nhau vui vẻ đến cuối đời đã là một sự tu hành rồi” (Nghĩa của yêu thương).
Cũng từ cái nhân yêu thương đó, con người cần thực tập “Rỗng để dung chứa”: “làm mới tâm mình, quét dọn những phiền não để tâm ta bớt chật chội” , “nhận diện rằng khi lòng mình tràn ngập thương yêu thì mình sẽ dễ dàng cho qua những điều lầm lỗi, dễ dàng thứ tha những điều vặt vãnh nơi những ứng xử của người”… Bởi Long “Tin rằng nơi vườn tâm của mỗi người ai cũng có hạt giống chân thật. Chỉ cần ta biết tưới tẩm, bằng niềm tin sâu sắc vào cái thiện, thì chắc chắn hạt giống chân thật nơi người ấy sẽ lại có cơ hội nảy mầm”.
Trong khi tích cực gieo nhân thiện lành, thì ta cũng đừng quên thực tập lắng nghe, quán chiếu tâm mình, để kịp thời chữa lành, an dưỡng. Là bởi, tâm mình có tươi nhuận hay không, còn phụ thuộc vào việc mình có thường xuyên nhìn ngó đến, chăm sóc. Cuộc sống là muôn trùng xáo động của những thứ vật chất ngoài thân nhưng lại tác động trực tiếp và lâu dài đến tâm hồn, tinh thần mỗi người rất sâu sắc. Tại sao có người chìm đắm trong hố sâu của lỗi lầm, của nỗi buồn đau, của sân hận còn người khác thì nhẹ tênh dù mỗi người đều chỉ có một cuộc đời để sống? Tất cả đều phụ thuộc vào cách ta biết lắng nghe chính mình, hiểu sâu sắc hơn về mọi thứ. Hiểu và thương, để không phải “giận con rận mà đốt luôn cái áo”, biết rằng “nhân quả vốn công bằng, ta đang khổ đau hay hạnh phúc đều là kết quả mà ta đã lựa chọn”.
Đoạn ác, và đón nhận mọi việc bằng tâm từ ái. Đó chính là cái hiểu sâu sắc nhất giúp hóa giải mọi xung đột. Phải chăng, tập tính này rất cần cho mỗi người trong thời buổi hiện nay, khi cái ác vẫn còn hiển hiện rõ ràng ngoài kia, Đoạn ác, gieo nhân lành, chỉ có như vậy, xã hội mới không còn những đau khổ triền miên nữa.
Bộ sách 4 cuốn của nhà báo Lưu Đình Long (Báo Giác ngộ) theo dòng sách tinh thần gồm: Như mây thong dong, Như gió an lành, Lắng nghe hơi thở, Tâm kinh mình thuyết cho mình. Trong đó, có cuốn đã được tái bản, nối bản lên đến 20.000 bản in cho thấy chất lượng và sức hút của cây bút tài hoa này.
|