Sài Gòn vắng vẻ bởi dịch COVID-19 – Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH
Nhưng cũng trong tình cảnh chẳng đặng đừng ấy, Sài Gòn đang gửi ra thông điệp về cái đẹp của nhân văn nơi tuyến đầu chống dịch với cộng đồng gần xa.
Trong khi các cơ quan chức năng đang tính toán các kịch bản gần xa và nhiều giải pháp ứng phó, người Sài Gòn cảm nhận một không khí đặc biệt đang ập xuống, ngấm vào mọi góc cạnh của đời sống chính mình.
Và không ai bảo ai, người dân nơi đây có cách ứng xử của nơi tuyến đầu dịch bệnh, ngoạn mục nhất trong lĩnh vực truyền thông.
Hàng loạt trang (page) trên mạng xã hội được mở ra theo cấu trúc tên gọi: “Tôi là dân”… mỗi quận/ huyện, để cập nhật nhanh nhất tình hình dịch bệnh ngay tại địa phương. Tôi là dân quận 3, Tôi là dân quận 5, Tôi là dân quận 10, rồi Thủ Đức, quận 11, Gò Vấp, Phú Nhuận…
Không cần biết ai làm admin của những trang này, nhưng đều cảm nhận được tấm lòng của những người tham gia cập nhật thông tin trên từng khoảng trống của mạng xã hội như vậy.
Có thể xem đây như một hệ thống thông tin bán chuyên nghiệp tồn tại song song với các báo chính thức, rất hiệu quả trong việc giúp người dân cập nhật thông tin về diễn biến dịch bệnh tại mỗi quận, huyện chi tiết đến từng khu phố, địa chỉ cụ thể nào “bị giăng dây”.
Sài Gòn không thiếu những đại gia, nhưng cũng nhiều nhất nước số lượng những người bình dân tay làm hàm nhai, kiếm sống từng ngày.
Đại dịch COVID đến với từng người buôn thúng bán bưng, ngấn nước mắt nơi người bán cá ở rìa chợ Phước Kiển (Nhà Bè) kèm câu nói “ngày mai chị phải nghỉ bán rồi, nghỉ vậy là nhà chị đói” làm nhói lòng không ít người dân. Chính vì vậy mà như một sự đáp lời trong lặng lẽ, nhiều người đã tìm cách góp chút sức mình giúp đỡ cộng đồng.
Chính tinh thần ấy trong thời đoạn lịch sử này, cộng hưởng thành chất men độc đáo gắn kết người Sài Gòn lại với nhau. Người ta thấy những chiếc “tủ lạnh Thạch Sanh” đặt tại 10 quận đang là trọng điểm dịch.
Thành phố liên tục xuất hiện những “phiên chợ 0 đồng”, rồi đây từ điển tiếng Việt sẽ cập nhật loại hình chợ này cho kịp với thực tế đời sống.
Nhưng rõ ràng từ Hội chữ thập đỏ, từ cơ quan hỗ trợ người nghèo, cho đến các đơn vị cấp phường, khu phố cũng chung tay mở “phiên chợ 0 đồng” như một cách giúp người dân trong các khu phong tỏa để không bị thiếu thức ăn, là một việc làm có sức cộng hưởng kép: cộng hưởng giữa những người chung tay hình thành “ban tổ chức”, và cộng hưởng mô hình này lan ra khắp thành phố.
Một sớm mở mắt ra thấy khu phố bên cạnh bị giăng dây, ngôi chợ quen thuộc thường ngày đóng cửa với vòng trong vòng ngoài dây giăng lớp lớp, một cán bộ về hưu “tức cảnh”: “từ bên em dây giăng sang bên anh…”…
Đó cũng là một phần của phương diện lạc quan đặc chất Sài Gòn. Có sống trong tình cảnh khắp nơi giãn cách, ngã tư góc đường không còn quán cóc, mới thấy Sài Gòn có những chiều kích độc đáo.
Một ông cán bộ khu phố thường ngày có thể mặt nặng mày nhẹ, nay bỗng trở nên nhiệt tình đi vận động các chủ nhà trọ giảm bớt tiền thuê phòng cho công nhân bởi hầu hết đang ngưng việc.
Những người sống trong chung cư EHome 3 ở Bình Tân có thể lâu nay chẳng đoái hoài gì đến các căn hộ láng giềng, nhưng trong những ngày cao điểm chung cư bị phong tỏa toàn bộ, đã tự nguyện hình thành những đội vận chuyển tiếp nhận hàng hóa giúp bà con ở cùng mỗi block nhà.
Rồi mới đây, cô bạn ở quận 3 nghĩ ra sáng kiến mua rau ủng hộ người bán lẻ bằng cách từ nhà soạn sẵn một “toa” các loại rau cần mua, cầm tờ giấy đến ném vào nhà người bán rau, người kia soạn rau xong đem ra treo trước cửa để khách cầm về.
“Làm vậy vẫn sợ bị phạt mười mấy triệu vì đang có lệnh cấm không cho buôn bán tụ tập”, cô khách hàng tốt bụng phân trần.
Anh bạn bác sĩ lập gia đình muộn, vừa mới có em bé đầu lòng thì bước vào “năm COVID thứ nhất”, rồi từ đó đến nay anh liên tục vắng nhà bởi anh thuộc đội ngũ nằm trong tâm điểm của cộng đồng y bác sĩ chống dịch. Việc nhà đành gác lại, lâu lâu “trồi lên” mạng xã hội báo tin cho bạn bè hay mình vẫn còn đây…
Những chuyển động lặng thầm mà mạnh mẽ, không khoa trương nhưng thuyết phục lòng người, đang cuộn chảy trong đời sống thành phố này.