Tác phẩm ‘Dòng sữa ngọt ngào…’ vẽ từ bức ảnh nữ bác sĩ Phạm Thị Thanh Thúy mặc đồ bảo hộ, một tay bế em bé F0, một tay cho bé bú tại khoa cấp cứu bệnh viện Trưng Vương TP.HCM.
Hiện anh đã vẽ được 40 bức tranh và đang tiếp tục vẽ.
Khoảng giữa tháng 5-2021, Lê Sa Long bắt đầu đi vẽ ký họa. Anh khắc họa lại hơi thở cuộc sống TP.HCM qua tranh phong cảnh và chân dung. Anh vẽ nhiều góc phố, những địa danh nổi tiếng là biểu tượng của TP.HCM trong mùa giãn cách.
Họa sĩ Lê Sa Long – Ảnh: PHƯƠNG NAM
Từ sau 15-6, tình hình dịch diễn biến phức tạp, anh không đi ra ngoài vẽ ký họa nữa mà vẽ tranh từ các bức ảnh của bạn bè, truyền thông, xoay quanh chủ đề người Sài Gòn, tình cảm người dân trước dịch bệnh.
“Từ những bức ảnh xúc động, mang thông điệp tôi vẽ lại thành tranh theo ngôn ngữ hội họa, đồng thời thổi vào đó luồng sinh khí mới” – anh cho biết.
Tác phẩm ‘Bé đi cách ly’
Đó là bức tranh xúc động về cô bé 5 tuổi (Bình Chánh, TP.HCM) trong trang phục bảo hộ bước lên xe cứu thương để đưa đi điều trị do không may mắc COVID-19, được vẽ từ video do một điều dưỡng quay lại.
Hay hình ảnh ca sĩ Hà Anh Tuấn “cúi xuống thật gần” với người nghèo khi góp 25 tấn gạo để “cả Sài Gòn sẽ cùng nhau nấu cơm”.
Tác phẩm ‘Hà Anh Tuấn ‘Nấu cơm cùng Sài Gòn”
Bên cạnh đó là các bức ký họa về các quán 0 đồng, siêu thị 0 đồng hoặc tủ lạnh cộng đồng… cùng hành động của những cá nhân, tổ chức góp phần san sẻ yêu thương, giúp những người yếu thế cùng vượt qua dịch bệnh.
Tác phẩm ‘Cửa hàng không đồng – nét đẹp người Sài Gòn, san sẻ khó khăn cùng vượt qua dịch bệnh’
Họa sĩ Lê Sa Long đăng một số bức tranh kể chuyện Sài Gòn lên trang cá nhân và nhận được nhiều phản hồi tích cực, thậm chí có nhiều người hỏi mua tác phẩm mặc dù chưa xem tranh tận mắt.
“Những bức tranh vẽ các nhân vật cụ thể như ca sĩ Hà Anh Tuấn, bác sĩ Phạm Thị Thanh Thúy… tôi sẽ gửi tặng họ làm kỷ niệm sau khi tổ chức triển lãm dự kiến sau dịch. Lần này, tôi cũng sẽ trích tiền bán tranh để đóng góp quỹ giúp người khó khăn” – anh cho biết.
Họa sĩ Lê Sa Long sinh ra ở Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp), lớn lên ở Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) nhưng anh học tập và lập nghiệp tại TP.HCM và gắn bó với thành phố này được khoảng 30 năm.
Một số tranh khác của Lê Sa Long trong bộ sưu tập về Sài Gòn mùa giãn cách:
Tác phẩm ‘Đường Ngô Đức Kế (quận 1, TP.HCM) cơn mưa đêm những ngày đầu giãn cách’
Tác phẩm ‘Người bán vé số’
Tác phẩm ‘Chú bán vé số ơi, nhận dùm thùng mì này’
Tác phẩm ‘Hồ Con Rùa ngày giãn cách’
Tác phẩm ‘Kênh Nhiêu Lộc (quận Phú Nhuận, TP.HCM) thời gian giãn cách’
Triển lãm tranh “Khẩu trang và người nổi tiếng” của họa sĩ Lê Sa Long tại Đường sách TP.HCM – Ảnh: PHƯƠNG NAM
Tháng 10-2020, họa sĩ Lê Sa Long tổ chức triển lãm bộ tranh Khẩu trang và người nổi tiếng và tập sách ảnh cùng tên. Sau đợt triển lãm này, anh bán được 12 bức tranh và trích ra 80 triệu đóng góp cho quỹ người nghèo, quỹ phòng chống COVID-19.
Đồ họa: NGỌC THÀNH