Chương 7, tác giả viết tên sai của chính trị viên Trung đoàn Vệ quốc quân ở Tiên Yên là Đàm Quang Thìn (tr. 40). Tên đúng của ông là Đoàn Quang Thìn.
Thiếu tướng Đoàn Quang Thìn (1916 – 2017) là cán bộ lão thành cách mạng, huy hiệu 80 năm tuổi Đảng, nguyên phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, nguyên viện trưởng Viện Kiểm sát quân sự trung ương…
Sai từ chính tả đến tên danh nhân
Trong sách, tác giả Diệu Ân vài lần nhắc đến cuốn sách Amanat nền văn minh thế giới (tr.20, tr.168)… Trong khi đó, tên đúng của cuốn sách là Almanach – Những nền văn minh thế giới.
Trang 42 viết: “Để ghi nhớ công lao của Trung tướng Hoàng Minh Thảo, Đảng bộ và Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã chọn một đường đẹp trong thành phố đặt tên Hoàng Minh Thảo, quận Lê Trân, Hải Phòng”.
Ở thành phố Hải Phòng có quận Lê Chân chứ không phải quận Lê Trân. Quân hàm của Giáo sư Hoàng Minh Thảo là thượng tướng chứ không phải trung tướng.
Chương 20 viết Trung tướng Khuất Duy Tiến – nguyên phó chủ tịch Quốc hội (tr.97). Thật ra, chưa bao giờ Trung tướng Khuất Duy Tiến giữ chức phó chủ tịch Quốc hội.
Chú thích ảnh số 2 trang 161 đề: “Thượng tướng Hoành Minh Thảo và Thượng tướng Đặng Vĩnh Thiệp năm 2014”. Nhân vật chính từ họ Hoàng chuyển sang họ Hoành và Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp thành Đặng Vĩnh Thiệp. Cả hai đều mất vào năm 2008, nhưng chú thích ảnh ghi ảnh chụp vào năm 2014.
Lỗi sai tên nhân vật ở trang 161
Sai sự kiện lịch sử và tiểu sử danh nhân
Không chỉ sai chính tả, sai tên người, nhiều nội dung trong cuốn sách còn tùy tiện khi viết về sự kiện lịch sử và tiểu sử danh nhân.
Trong Lời mở đầu cuốn sách với tên gọi Hoàng Minh Thảo vị tướng của nhân dân do ông Phạm Vũ Quỳnh – thư ký của Thượng tướng Hoàng Minh Thảo viết cho biết năm 13 tuổi Hoàng Minh Thảo vào học Trường tư thục Thăng Long ở Hà Nội. “Ông thuộc thế hệ học sinh của các thầy dạy lúc đó là Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Hoàng Minh Giám” (tr.5). Điều này tương tự được lặp lại ở chương 24 (tr.117).
Tuy nhiên, trong thực tế, ông Phạm Văn Đồng không dạy Trường tư thục Thăng Long ngày nào.
Vẫn trang 5 này viết rằng Hoàng Minh Thảo “đã chỉ huy đội du kích tiêu diệt đồn Phò Mã nổi tiếng (5-1945). Chỉ có đồn Pò Mã, chứ không có đồn Phò Mã.
Chương 24 của cuốn sách nêu sự kiện năm 1943 ông Tạ Quang Khai quyết định cho cậu con trai Thái An về Hà Nội học tiếp. Rất may cho Thái An được nhận vào học Trường tư thục Thăng Long. Tác giả viết: “Tạ Thái An may mắn được học các thầy giáo có lòng yêu nước, đặc biệt là thầy Võ Nguyên Giáp dạy môn lịch sử… Thái An là học trò cưng của thầy Võ Nguyên Giáp” (tr.118).
Nếu năm 1943 Tạ Thái An (tên khai sinh của Thượng tướng Hoàng Minh Thảo) mới vào học Trường tư thục Thăng Long thì ông không thể nào có cơ hội học với thầy giáo Võ Nguyên Giáp. Bởi vì khi đó thầy Võ Nguyên Giáp đã rời Việt Nam sang Trung Quốc hoạt động được 3 năm rồi. Thực tế, năm 1943 Tạ Thái An (tức Hoàng Minh Thảo) cũng đang học quân sự ở phân hiệu Trường Hoàng Phố (Trung Quốc).
Tiếp đó, bài viết mang tên Danh tướng Hoàng Minh Thảo ghi theo lời kể của Đại tá Phan Hữu Đại có đoạn nhắc một số kỷ niệm về tướng Nguyễn Sơn. Chỉ riêng một đoạn về tướng Nguyễn Sơn trong trang 152 đã có rất nhiều lỗi sai.
Thứ nhất, Nguyễn Sơn chỉ được phong thiếu tướng, chưa bao giờ được phong trung tướng kể cả ở Việt Nam và Trung Quốc. Thứ hai, Nguyễn Sơn được Chủ tịch Hồ Chí Minh phong hàm thiếu tướng năm 1948 chứ không phải năm 1946. Ông được Trung Quốc phong hàm thiếu tướng vào năm 1955.
Thứ ba, tướng Nguyễn Sơn mất tại Việt Nam chứ không phải mất tại Trung Quốc, nên không có chuyện đưa quan tài về Việt Nam.
Thứ tư, tướng Nguyễn Sơn mất năm 1956, ông Trần Đăng Ninh mất năm 1955, cho nên không thể xảy ra chuyện ngược đời là ông Trần Đăng Ninh có mặt trong lễ viếng tướng Nguyễn Sơn được.
Còn nhiều lỗi sai khác nhưng khuôn khổ một bài báo chúng tôi không liệt kê ra hết được.
Chúng tôi đã liên hệ với ông Lý Bá Toàn – tổng biên tập Nhà xuất bản Hồng Đức, ông Toàn bày tỏ: Nhà xuất bản đã liên hệ với tác giả nhưng bà Diệu Ân đang bận nên chưa kiểm tra được những nội dung chúng tôi phản ánh.
Trước những nội dung thiếu thẩm định như nêu trên, tổng biên tập Nhà xuất bản Hồng Đức cho biết: “Chúng tôi sẽ đề nghị tác giả xem xét sửa chữa. Nếu nội dung cuốn sách nhiều lỗi sai quá thì chúng tôi sẽ yêu cầu dừng phát hành để xử lý”.