Với các nhân vật lấy cảm hứng từ truyện tranh của họa sĩ Mỹ Adrian Tomine, Jacques Audiard phác họa chân dung những người trẻ tuổi, có học thức nhưng vỡ mộng, đang cố gắng tìm ra con đường riêng khi phải vật lộn với cuộc sống tại thủ đô nước Pháp trong Quận 13 Paris. Đạo diễn 69 tuổi luôn né tránh những khuôn sáo trong phim về sự phân chia giàu nghèo ở Pháp.
“Tôi muốn nói về tầng lớp trung lưu, những người có bằng đại học và phần nào đạt được mức độ thành công, nhưng không thực sự có được gì cho chính họ khi sống tại Paris”, đạo diễn Jacques Audiard nói với Reuters hôm 15.7, một ngày sau khi bộ phim của ông được công chiếu tại LHP Cannes.
Việc quay phim trong thời đại dịch Covid-19 giúp Lucie Zhang – lần đầu tiên xuất hiện trên màn bạc, hóa thân vào nhân vật Emilie, một phụ nữ trẻ đang vật lộn để giữ việc làm và không có tình cảm với người bạn trai cùng lứa – có nhiều trải nghiệm đáng nhớ. “Trong đại dịch Covid-19, chúng tôi cô đơn hơn rất nhiều, sống khép kín và bị cô lập. Có lẽ điều đó đã mang lại cảm xúc cho các nhân vật, một cách vô thức”, Lucie Zhang nói.
Lucie Zhang (Emilie) và Makita Samba (Camille) trong phim Quận 13 Paris
Jacques Audiard, từng đoạt giải Cành cọ vàng 2015 với tác phẩm Dheepan về những người tị nạn Tamil ở Pháp, cho biết điều đáng lo ngại là một số bộ phim của Pháp thiếu tính đại diện đa chủng tộc. Jacques Audiard nói với các nhà báo: “Trong phim của Francois Truffaut (đạo diễn lừng danh Pháp), bạn có thể thấy một nhân viên kinh doanh bất động sản hoặc một người tình ra đi nhưng không hề có người da đen và người gốc Á”. Vì thê mà trong Quận 13 Paris, hai nhân vật chính – Camille (Makita Samba thủ vai) và Emilie (Lucie Zhang) đều đến từ các gia đình nhập cư.
Jacques Audiard từng đạo diễn các bộ phim được giới phê bình đánh giá cao gồm The Sisters Brothers, A Prophet, Rust and Bone… Quận 13 Paris là một trong 24 phim tranh giải Cành cọ vàng tại LHP Cannes lần thứ 74.