Phường đạt chuẩn văn minh đô thị phải có kênh giao tiếp chính thức trên mạng xã hội của Việt Nam và 100% người dân sử dụng điện thoại di động thông minh – Ảnh: T.ĐIỂU
Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch đang đăng tải dự thảo quyết định ban hành quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đô thị văn minh lên trang thông tin của bộ này, để lấy ý kiến đóng góp của người dân trước khi hoàn thiện trình Chính phủ.
100% người dân sử dụng điện thoại thông minh
Theo dự thảo, phường, thị trấn, quận, thị xã, thành phố được công nhận đô thị văn minh nếu đáp ứng các tiêu chí về quy hoạch, quản lý đô thị, dịch vụ đô thị thiết yếu, giao thông, môi trường đô thị, an toàn thực phẩm, thông tin, truyền thông, việc làm, thu nhập bình quân, hộ nghèo, văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục, an ninh, trật tự đô thị, hệ thống chính trị và trách nhiệm của chính quyền đô thị.
Trong đó, một số tiêu chí cụ thể đáng quan tâm đối với phường, thị trấn là:
Không để xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm lớn (từ 30 người mắc trở lên) trên địa bàn quản lý.
100% các hộ gia đình có thiết bị nghe nhìn thông minh, có thuê bao Internet băng rộng và tỉ lệ người dân sử dụng điện thoại di động thông minh.
Có kênh giao tiếp chính thức trên mạng xã hội của Việt Nam (Zalo, Mocha, Lotus, Gapo…).
Không để xảy ra hoạt động chống Đảng, chống chính quyền, phá hoại khối đại đoàn kết.
Không để xảy ra hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật; hoạt động lợi dung tín ngưỡng, tôn giáo, dân tộc, tranh chấp, khiếu kiện phức tạp về an ninh trật tự.
Không để xảy ra hoạt động kích động, xúi giục, cưỡng ép, dụ dỗ, mua chuộc, lôi kéo người khác tập trung đông người khiếu nại, gây rối an ninh, trật tự công cộng hoặc lợi dụng việc khiếu nại để tuyên truyền chống Nhà nước; xuyên tạc, vu khống, đe dọa, xúc phạm uy tín, danh dự của cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm được phân công giải quyết khiếu nại, tố cáo…
Ngoài việc đáp ứng các tiêu chí này thì phải có từ 90% người dân trở lên hài lòng và đồng ý đề nghị công nhận phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh.
Tránh “đồng phục” trong sinh hoạt, quản lý văn hóa
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online về tiêu chí “100% các hộ gia đình có thiết bị nghe nhìn thông minh, có thuê bao Internet băng rộng và tỉ lệ người dân sử dụng điện thoại di động thông minh”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn – ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội – nói tiêu chí này có thể chưa chú ý đến quyền văn hóa của người dân, chưa tôn trọng sự khác biệt văn hóa trong cộng đồng.
Ông Sơn phân tích trong xã hội đa dạng hiện nay, không phải ai cũng mong muốn sử dụng điện thoại thông minh, thiết bị nghe nhìn thông minh… Việc quy định cứng “100% các hộ gia đình có thiết bị nghe nhìn thông minh, có thuê bao Internet băng rộng và tỉ lệ người dân sử dụng điện thoại di động thông minh” là quản lý văn hóa đang chưa quan tâm đầy đủ tới nhiều đối tượng đa dạng trong cộng đồng.
Theo ông Sơn, lâu nay các quy định ở ta thường hướng tới một tiêu chuẩn khá cao, duy ý chí, hoặc ít chú ý đến quyền văn hóa của người dân, đồng nhất đối tượng quản lý thành một.
Kết quả là tạo ra những bộ tiêu chuẩn chỉ phù hợp với thành thị đồng bằng nhưng mang áp dụng cho nông thôn, miền núi… khiến việc thực hiện rất bất cập, vấp phải nhiều than phiền của địa phương.
Khắc phục điều này cần phải đưa ra được bộ tiêu chuẩn khung có thể áp dụng chung cho các đối tượng khác nhau theo mức độ khác nhau. Tránh “đồng phục” trong sinh hoạt văn hóa, trong quản lý văn hóa.
Để thực hiện tốt quan điểm của Đảng, Chính phủ là “không để ai bị bỏ lại phía sau” thì các tiêu chí này phải chú ý đến mọi đối tượng trong cộng đồng đa dạng nhu cầu hiện nay, tôn trọng cả nhu cầu không muốn sử dụng điện thoại thông minh của một số người.
Đây cũng chính là tôn trọng tinh thần Công ước 2005 của UNESCO về bảo vệ và phát huy các biểu đạt đa dạng của văn hóa.
Theo dự thảo, việc công nhận đô thị văn minh phải đảm bảo công khai, dân chủ, minh bạch; đúng điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền; phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Kinh phí tổ chức thực hiện công nhận phường, thị trấn, quận, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh đạt chuẩn đô thị văn minh được bố trí trong dự toán chi ngân sách thường xuyên hằng năm của địa phương theo phân cấp ngân sách nhà nước và kinh phí tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước (nếu có).