‘Ở đậu trong nhau’ – Tiếng của loài di trú buồn | Văn hóa

Nếu nói rằng Mình mắc cạn vào nhau là tập thơ của những thi từ hồn nhiên, phá cách và phóng túng thì đến Ở đậu trong nhau, thơ Khét lại lãng đãng, buông lơi như tơ. Khét đến thế giới thi ca trong dáng vẻ của một chàng trai chân chất và hào sảng của miền sông nước. Ở đậu trong nhau là thi tập của những con chữ đầy ám ảnh về thân phận người, là nỗi niềm của một kẻ xa quê, cũng có khi là nỗi hoang mang cùng cực của một chàng trai không tìm thấy chốn dung thân. Và… tình yêu, “đã hẹn nhau từ tiền kiếp/ em xa vắng làm gì/ lỡ hẹn nhau từ muôn kiếp/ em mãi là người đi” (dan díu buồn). Viết cho tình yêu, Khét luôn đau đáu, nỗi niềm. Hình ảnh người con gái trong thơ Khét cũng mong manh, hư ảo “tôi đã kịp nói gì đâu mà sông chảy buồn biền biệt/ bụi cỏ dại trước nhà lại cựa vào/ lòng gió rồi tự đau/ em đừng hờn trách làm gì/ mẹ cũng một thời ngã nón/ khóc/ rồi bước mau” (tôi rạ rơm mình lam triền sông khô đáy).

Có thể nói Ở đậu trong nhau là tiếng của loài di trú buồn, là thi tập đánh dấu nhiều điểm độc đáo trong sáng tác của Khét, “một mai rời thành phố/ tôi còn quên bóng mình/ bao trưa hè nắng đổ/ trên tay em điêu linh…/ “một mai rời gác trọ/ bỏ cơn say lầm lì/ chỉ mang lá thư nhỏ/ khi nhớ, xem, rồi đi” (một mai rời thành phố).

Tham Khảo Thêm:  Người 'thắp lửa' phong trào Đoàn | Sống đẹp

Khét bắt đầu công việc viết lách của mình từ khi còn rất trẻ, và cũng từ đây những hoài nghi đã chớm, đã thắc mắc và trăn trở trong những câu thơ đầy tính siêu hình, “có phải chúng ta đã gầy đến cả giấc mơ… / có phải ta đã xa ta ngày đầu tiên mở mắt” (tạ ơn).

Có lúc thơ Khét trầm hùng như một dòng thác hùng vĩ giữa chốn đại ngàn, cũng có lúc ta lại thấy trong thơ Khét những gam màu trầm mặc và u uất. Có cả những cái chết và sự phục sinh, thân phận người và kiếp làm người “tôi về đắp mộ dưới gang tay/ ướm hỏi đình lan buồn mấy độ/ ai củi lửa lên đồng cho kiếp giang hồ tôi hóa đá” (giông bão về đây đứng ngồi).

Quê hương trong thơ Khét là những gì rất thơ, rất cụ thể, từ con lia thia má phúng phính đến con chuồn chuồn cắn vào rốn. Lúc nào Khét cũng chực chờ để được hồn nhiên, được trở lại ngày còn thơ “tôi bắt con cá lia thia con chưa kịp học bơi/ bỏ vào chai nước biển/ lia thia long lanh mắt thia lia/ phùng phúng phính đôi má lúm lần đầu tắm nước/ đôi má lúm sâu như vực buồn trôi” (mưa tôi), “tôi nhảy lò cò qua tuổi thơ/ bắt chuồn chuồn cắn vào rốn dòng sông/ nước đau bờ bãi vàng lên khóe mắt” (tập nói).

Trở lại đôi khi chỉ là để thong dong, thong dong ở chốn không người, để ôm nhau ngủ quên đời “tôi vẽ lại một giấc mơ khác người/ giấc mơ đứng thẳng như cổ tích/ nhảy múa và ca hát/ chiếc nón lá bơi về nhà sau cơn mưa bất chợt/ đá ôm nhau ngủ bỏ quên đời chạng vạng/ em ngày ấy xa xôi/ em ngày ấy gối đầu lên ngực tôi” (không phải giấc mơ), “tôi về dựng lại căn chòi lá/ giăng võng ầu ơ ướt mềm lên miền nhớ/ giọng quê em có còn ngọt bên hiên như loài rau đắng đất/ để trong mưa muộn màng/ ta ôm nhau ngủ nướng trời thành tro” (ghim).

Tham Khảo Thêm:  Bộ Văn hóa đề nghị chấn chỉnh nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật, dùng mạng xã hội xúc phạm cá nhân

Cũng có khi thi sĩ ngông nghênh lắm, sau cái ngông nghênh ấy lại ngậm ngùi, lại đòi “về làm đá thôi/ lời đá không mòn dưới ngàn năm suối chẻ/ đêm nảo đêm nao cũng lay đến cạn mình bên ông cuội già nua” (tạ ơn). Nhưng đằng sau cái ngông, cái kiêu bạc đó ta lại nhìn thấy một con người khác của Khét, nhỏ nhoi, lạc lõng đến đáng thương “tôi bước khập khễnh về tuổi thơ/ thèm câu ca dao nên ươm lại cọng ngò nhà ngoại/ ngại ngùng chi em/ qua bão giông rồi mình lại đánh vần tập nói” (tập nói).

Có thể nói Ở đậu trong nhau Khét trăn trở nhiều về thân phận và tình yêu, cảm quan anh luôn ngập tràn những thân phận buồn. Nhưng nói rằng thân phận buồn thôi là chưa đủ, bởi sau những “lưu vong, lăn lóc” chỉ còn lại nỗi ngậm ngùi và có chút gì đó xót xa. “Có gì đó lưu vong vào tôi/ những tờ lịch không ngày không tháng/ có gì đó lặng câm như tràng hạt/ lăn lóc trên tay người…/ “cái gì của ta đã lưu vong vào nhau/ như đôi mắt giao thừa thở 60 giây rồi lụi tàn lên bờ bãi” (có gì đó lưu vong). Và tình yêu, Khét luôn khẽ khàng chạm, khẽ khàng đi, khẽ khàng trôi, cứ như anh sợ một tiếng động mạnh mọi thứ sẽ tan biến… “em đã từng chạm vào đêm/ cho thênh thang cát vắng trăng vàng/ tôi du ca/ em có là biển cạn để bập bềnh một tình khúc hồng hoang” (đêm và em) hay “ta đã bẻ nửa câu ca dao để che em qua suối/ ai gội tóc bên hiên cho chạnh lòng con cúm núm” (che em qua suối).

Tham Khảo Thêm:  Vợ chồng Hoàng tử Harry đặt tên 'độc' cho con gái mới chào đời | Văn hóa

Ðọc thơ Khét, có lúc ta tưởng như về chiều, ngồi trước mặt hồ lặng câm, ta nhẩn nha nhặt từng viên sỏi ném xuống hồ khi nhận ra mọi thứ đã hóa đá sau những đau thương “tự bao giờ trăng như lá đỏ/ rớt vào tôi như tiếng kinh buồn/ tôi là tượng, em là tượng, mẹ ta là tượng/ mắt quê mình cũng tạc nhiều đau thương” (tháng này). Có lãng mạn và phù phiếm không? Thưa, có chứ! “khi chúng ta nâng viên gạch đầu tiên để dựng một ngôi đền/ nền đất muốn nói những điều cổ tích” (kẻ giữ đền). 

Sau tất cả, anh luôn tìm về với thiên nhiên, với mẹ, với quê hương và tình yêu, “tôi đã chặt nỗi nhớ bó thành cây/ chôn sau cánh đồng/ mùa lúa chưa kịp chín/ xuân chưa kịp về” (mộ hoang phía sau làng), “những con bò trên cỏ/ nằm nhai lại đời mình/ em là mây bạt gió/ tôi gõ cửa lưu linh” (ừ, em cứ bỏ chồng).

Và cuối cùng, được hay mất gì sau cuộc đời này ta – vẫn – sẽ – mơ “giấc mơ có một tiếng đàn/ mọc hoang trên nấm mộ/ lang thang nhánh sầu hoăm hoắm dưới mi người/ tiếng đàn không biết ngủ/ gục vào vai tôi/ lênh đênh qua những vòng nôi…” (giấc mơ tiếng đàn).

Ừ thì, thân phận và tình yêu muôn đời vẫn vậy…



Viết một bình luận