Sư cô Thích Nữ Nhuận Bình chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện dã chiến số 12 – Ảnh: NGUYỄN Á
Chiều 18-8, Ban Hoằng pháp trung ương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức buổi livestream từ nhiều điểm cầu trong cả nước, đặc biệt là từ các bệnh viện dã chiến tại TP.HCM, nơi nhiều tăng ni, phật tử đang ngày đêm cùng các nhân viên y tế chăm sóc, cứu chữa các bệnh nhân COVID-19.
Trong buổi livestream, câu chuyện của hai tăng ni đang phục vụ tại bệnh viện dã chiến ở Thủ Đức khiến người nghe nghẹn lòng.
“Nếu mình cứ đứng vậy, các bệnh nhân sẽ ra sao?”
Từng học điều dưỡng nên ngay khi có lời kêu gọi các tình nguyện viên đăng ký hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại các bệnh viện, đại đức Thích Tâm Quang lập tức đăng ký, hồi hộp chờ đợi và đã được đi vào tuyến đầu chống dịch ngay đợt đầu tiên của các tăng ni, phật tử.
Đại đức Tâm Quang phục vụ ở Bệnh viện hồi sức COVID-19 đặt tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2 ở thành phố Thủ Đức.
Đại đức Thích Tâm Quang trong màu áo của nhân viên y tế tham gia buổi trò chuyện từ Bệnh viện hồi sức COVID-19 ở Thủ Đức – Ảnh: T.ĐIỂU chụp màn hình
Kể từ đó tới nay, nhiều đêm đại đức Tâm Quang trực chăm sóc bệnh nhân, trong đó có những đêm căng thẳng đến nghẹt thở khi có bệnh nhân trở nặng đột ngột.
Đại đức vẫn còn nhớ như in một đêm căng thẳng như thế, sau bao nỗ lực cấp cứu, lúc 4h sáng, bệnh nhân vẫn không qua khỏi.
Là một nhà tu hành, giây phút nhìn một người mình chăm sóc hằng ngày vừa ra đi, sư thầy thắt nghẹn trái tim, đứng thất thần giữa phòng bệnh.
Nhưng rồi vị đại đức trẻ đã phải nhanh chóng vực lại mình bởi “nếu mình cứ đứng mất hồn vậy thì 45 bệnh nhân nặng xung quanh nhìn vào mình sẽ thế nào?”. Sư thầy nhanh chóng xếp lại cảm xúc cá nhân, tiếp tục ân cần chăm sóc, động viên tinh thần những bệnh nhân khác.
Sư cô Nhuận Bình thường xuyên trò chuyện, động viên tinh thần các bệnh nhân – Ảnh Facebook Thích Nữ Nhuận Bình
Những liều thuốc tinh thần của sư cô
Câu chuyện của sư cô Thích Nữ Nhuận Bình tại Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 12, thành phố Thủ Đức khiến người nghe quặn lòng trước sự tàn phá khủng khiếp của COVID-19 và càng cảm động trước tấm lòng của những người ở tuyến đầu chống dịch, trong đó có các nhà tu hành.
Sư cô Nhuận Bình bước vào cuộc trò chuyện đã phải xin lỗi những người đang xem chương trình bởi không kìm nén được những giọt nước mắt thương xót một bệnh nhân vừa tự tử.
Các bệnh nhân COVID-19 ngoài chịu đựng sự tàn phá của virus còn phải chịu sự tổn hại rất lớn bởi suy sụp tinh thần do lo lắng, sợ hãi.
Hiểu được điều này nên công việc hằng ngày của sư cô không chỉ chích thuốc, đo các chỉ số sinh tồn, lấy nước, thức ăn cho bệnh nhân, dọn rác, đưa người bệnh đi vệ sinh… mà còn liên tục thăm hỏi, trò chuyện, động viên tinh thần cho những người đang rất mong manh giữa lằn ranh sinh tử.
Điều này hỗ trợ rất lớn cho hiệu quả điều trị bệnh. Bằng không, người bệnh nặng sẽ rất khó vượt qua thử thách.
Sư cô Nhuận Bình kể, tại bệnh viện dã chiến sư cô đang làm việc, cứ sau bữa cơm chiều, các bệnh nhân thường ra đứng ngoài cửa sổ để được giao lưu với mọi người. Họ tâm sự, có khi la hét rất lớn bởi họ bị căng thẳng quá khi nhìn bệnh nhân khác sáng vẫn ăn uống bình thường, vẫn gọi video về cho gia đình, tới trưa đã trở nặng, khó thở, nếu không được cấp cứu kịp thời là mất rất nhanh.
Nhất là gia đình nào có nhiều người dương tính nhưng mỗi người lại được đưa đi điều trị ở một bệnh viện khác nhau thì sự căng thẳng càng lớn bởi lo lắng cho nhau.
Người bệnh càng mất tinh thần thì bệnh lý càng nặng hơn. Thế nên các bệnh viện dã chiến thường mời các nghệ sĩ đến biểu diễn động viên y bác sĩ và bệnh nhân.
Phần mình, sư cô cũng dành rất nhiều tâm sức để trò chuyện, động viên, tư vấn tâm lý cho các F0.
Ngay sau buổi trò chuyện trực tuyến, sư cô Nhuận Bình lại vào ca trực từ 15h tới 23h và trực tăng cường từ đó tới 7h sáng hôm sau.
Thượng tọa Thích Trí Chơn trò chuyện trong livestream – Ảnh: T.ĐIỂU chụp màn hình
Nuôi dũng khí đối mặt với COVID-19
Tại buổi trò chuyện, thượng tọa Thích Trí Chơn cũng đưa ra nhiều lời khuyên đối phó với dịch bệnh COVID-19.
Theo thượng tọa, dịch bệnh đang không chỉ gây căng thẳng với những người nhiễm bệnh mà cả những người đang phải sống trong tình cảnh giãn cách xã hội. Chính vì vậy mà chúng ta càng phải chú tâm nuôi dưỡng, săn sóc cho nội tâm mình mạnh mẽ bằng cách chăm làm việc thiện.
Ngoài ra ta cũng cần rèn cách sống ít muốn, biết đủ, biết quay về với chính mình để thực tập thiền định. Bằng không ta sẽ thấy bế tắc, hoang mang, trầm cảm.
“Hãy biết rằng dịch bệnh sẽ qua đi, nó không ở với chúng ta mãi, để nuôi dũng khí sống đối mặt với COVID-19”, thượng tọa Thích Trí Chơn nhắn nhủ.
Đồ họa: NGỌC THÀNH