Eriksen được cấp cứu ngay trên sân – Ảnh: REUTERS
Ông Mai Duy Tôn, giám đốc Trung tâm đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, chia sẻ các cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp quốc tế thông thường có thể lực tốt, được quản lý sức khỏe định kỳ. “Tình huống của cầu thủ Eriksen tôi chưa biết là đột quỵ hay bệnh lý gì khác, đột quỵ thì vào bệnh viện chụp phát hiện ngay” – bác sĩ Tôn cho biết.
Một trường hợp nữa có thể dẫn đến tình huống của Eriksen, đó là rối loạn nhịp tim gây ngất, mất ý thức, nếu được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân sẽ tỉnh lại.
Tình huống nào?
Bác sĩ Trần Song Giang – trưởng khoa C9, phó trưởng đơn vị tim mạch can thiệp, Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai – cũng lý giải đột quỵ thông thường hay ám chỉ tới tai biến mạch não (vỡ hoặc tắc mạch não), nếu tình huống này xảy ra, bệnh nhân được cứu sống sẽ để lại tai biến như liệt, rối loạn ngôn ngữ…
“Tôi có theo dõi trường hợp này, xem báo chí quốc tế đến nay chưa có nguồn tin chính thức, nhưng hình ảnh chụp và ghi hình trên sân, bác sĩ có ấn ép tim, cấp cứu cho cầu thủ này, tôi nghĩ đến khả năng ngừng tim do rối loạn nhịp” – bác sĩ Giang cho biết.
80% trường hợp ngừng tim tương tự do nguyên nhân tim mạch, 20% do các lý do nội tiết, não. Một số hội chứng dễ gây ngừng tim khi gắng sức, theo bác sĩ Giang, gồm hội chứng Brugada, tim to, hẹp hở van tim, thành tim dày…
Nhóm bệnh lý gây rối loạn nhịp tim có tính chất gia đình, trong đó có trường hợp đoạn điện tâm đồ có bất thường, liên quan tới bất thường về mặt tế bào cơ tim, những trường hợp này không phát hiện được trên siêu âm tim, siêu âm tim hoàn toàn bình thường.
Điện tâm đồ nếu trường hợp không điển hình cũng không phát hiện được. Nhưng khi xuất hiện một số yếu tố như gắng sức, sử dụng chất kích thích, uống rượu… thì tình huống ngừng tim có thể xuất hiện.
Còn một số nguyên nhân nữa như nhồi máu cơ tim, sau này để lại ảnh hưởng chức năng tim, tim không đủ sức khỏe để gắng sức trong trường hợp chơi những môn thể thao cần gắng sức như bóng đá.
Có thể tiếp tục chơi thể thao nếu sức khỏe tim mạch có vấn đề?
“Nhìn chung ngừng tim khi gắng sức đã xảy ra rồi thì không nên chơi tiếp những môn cần nhiều thể lực như bóng đá. Với tim mạch, vận động bao giờ cũng được khuyến khích và có thể lựa chọn các môn thể thao, thể dục, vận động thể lực phù hợp. Vận động bao giờ cũng tốt hơn là chỉ ngồi một chỗ, tốt hơn lối sống tĩnh tại” – bác sĩ Giang chia sẻ.
Trong trường hợp có bệnh về tim mạch, kể cả những trường hợp suy tim nhưng chưa phải là suy tim nặng, cũng được khuyến khích tập thể dục, vận động thể lực. Ví dụ như người bệnh tăng huyết áp, bệnh hay gây ra các biến chứng ở tim, được khuyên nên tập thể dục, nên vận động thể lực hằng ngày sẽ giúp làm giảm được số huyết áp.
Duy trì được việc vận động phù hợp kết hợp dùng thuốc thì hiệu quả điều trị tăng huyết áp sẽ cao hơn. Do đó, với mỗi người, vận động bao giờ cũng tốt hơn là chỉ ngồi một chỗ.
Tuy nhiên, phải xem xét tập luyện, vận động hợp lý. Ví dụ người suy tim thì phải tập nhẹ hơn so với người không có bệnh về tim. Hoặc người trẻ thì khả năng vận động, bài tập cũng sẽ “nặng” hơn với người cao tuổi.
“Người trẻ cũng như người cao tuổi đều có thể tập luyện các môn tập nhẹ nhàng như đi bộ. Nhưng với những môn tập luyện đòi hỏi mất sức nhiều hơn như chạy, tennis, đá bóng thì nên được kiểm tra sức khỏe để biết về tình trạng sức khỏe, bệnh tật nếu có” – bác sĩ Giang khuyến cáo.
Vì theo bác sĩ Giang, với một số bệnh về tim, việc gắng sức có thể gây ra biến chứng như: rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ. Do đó, trước khi lựa chọn môn thể thao có cường độ cao, nên kiểm tra sức khỏe tổng thể. Trường hợp có bệnh lý, bác sĩ sẽ hướng dẫn việc tập thể lực phù hợp với sức khỏe, thể trạng.