Một trong những bức ảnh tại triển lãm “Mekong – chuyện đôi bờ” – Ảnh: LÂM ĐỨC HIỀN
Trước “Mekong – chuyện đôi bờ”, nằm trong khuôn khổ chương trình Photo Hanoi ‘21 do Viện Pháp khởi xướng, Lâm Đức Hiền từng ra mắt sách ảnh Mékong, histoires d’hommes, đồng thời phát hành bộ phim tài liệu Le Mékong et le photographe.
“Ngày nay có nhiều đập thủy điện mọc lên ở Mekong, phá hủy diện mạo dòng sông – vốn là mối liên kết, đồng thời là biên giới giữa các dân tộc, quốc gia. Có một câu rất hay: Mọi người đều sống dưới nguồn. Qua những bức ảnh của mình, tôi muốn người xem thấy được vẻ đẹp của dòng sông của tôi, mà cũng là của chúng ta; nó vẫn còn đó và vẫn chưa muộn để cứu rỗi vẻ đẹp này.
Nhiếp ảnh gia Lâm Đức Hiền
Một bức ảnh chụp ở Việt Nam của Lâm Đức Hiền
Chia sẻ về những bức ảnh không đi kèm chú thích, nhiếp ảnh gia Lâm Đức Hiền nói: Chúng tôi muốn người xem cảm thấy dòng sông Mekong thật gần gũi với mọi lãnh thổ hai bên bờ: Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar, Tây Tạng, Trung Quốc.
Tôi cũng muốn để họ tự nhận ra nét khác biệt phảng phất trên khuôn mặt nhân vật, trong những chân dung không nêu rõ dân tộc nào, miền đất nào.
Đó là nét riêng nổi lên giữa cái chung, ta nhận ra nó mà không cần bất kỳ lời chỉ dẫn, bình luận nào. Đồng thời cũng cảm nhận sâu sắc bầu không khí tựu trung bao trùm hết thảy: cuộc sống quẩn quanh bên dòng sông, ngoại trừ Tây Tạng nằm trên cao.
Một bức ảnh chụp ở Tây Tạng của Lâm Đức Hiền
Sức mạnh của loài người
* Dự án ảnh sông Mekong được bắt đầu ra sao, thưa anh?
– Sau 10 năm xa xứ, năm 1988 tôi trở lại Lào thăm người thân. Lúc đó tôi mang theo máy ảnh để lưu giữ những kỷ niệm gia đình cũng như để tìm hiểu, lý giải quá khứ, chứ không có ý định nào khác.
Nhưng có lẽ là nhân duyên, sau này tôi trở thành nhiếp ảnh gia làm việc cho nhiều tổ chức phi chính phủ, các hãng thông tấn báo chí quốc tế.
Năm 2003, tôi làm phóng viên chiến trường ở thủ đô Baghdad (Iraq) – vùng đất bom đạn liên miên dưới thời kỳ sụp đổ của Saddam Hussein.
Cuối năm ấy, tôi thoát chết trong một cuộc tấn công ác liệt. Vốn quen làm việc ở những vùng giao tranh, chiến trận, tôi chẳng biết sợ là gì. Nhưng hôm đó, lần đầu tôi biết sợ.
Trở về Pháp, tôi tự vấn về nghề nghiệp của mình, liệu có thể chụp gì để làm vui lòng bản thân. Tôi thầm nhủ trước khi biến mất, tôi muốn lần nữa thấy lại con sông của mình. Dự án ảnh Mekong bắt đầu…
Tôi làm việc với 5 chiếc máy ảnh, không đặt mục tiêu tìm tòi kỹ thuật chụp hoàn hảo mà thả bản thân thật tự do, thử nghiệm chụp ảnh đen trắng, ảnh màu, với nhiều format khác nhau, dạng phim 24x36mm, polaroid hay kiểu chụp cổ điển của thế kỷ 19 “à la chambre” (tức là đặt chiếc máy ảnh trên chân máy, mất nửa tiếng để căn chỉnh đủ thứ ánh sáng, khoảng cách… mới chụp được một tấm ảnh). Vì vậy, các bức ảnh ở triển lãm có nhiều kích cỡ khác nhau.
Những bức ảnh chụp ở Lào của Lâm Đức Hiền
Suốt hành trình dọc bờ sông ấy, tôi được truyền cảm hứng bởi các thế hệ nhà văn như Marguerite Duras. Tôi sống lại bầu không khí trong trang sách của bà: cái ẩm ướt, cái nóng, mùi hương nhiệt đới… Tôi cũng lần theo dấu vết của những nhà thám hiểm thế kỷ 19, như Auguste Pavie chẳng hạn.
Tôi có cảm giác dòng Mekong giải phóng mình khỏi nỗi sợ hãi, những mối ràng buộc, hay cả những định dạng ảnh vốn đã thành khuôn thước. Dòng sông ấy mang đến cho tôi sự tự do trong sáng tạo và cả giữa tháng ngày.
Những bức ảnh chụp ở Lào của Lâm Đức Hiền
* Về lại dòng sông ấu thơ và chụp những bức ảnh đầu tiên, anh đã chọn cho mình một “căn cước” và một tâm thế ra sao? Theo đó, lịch sử cá nhân hòa trong lịch sử dòng sông được diễn giải như thế nào?
– Một câu hỏi thú vị. Từ năm 1988, khi còn là sinh viên, tôi đã đặt câu hỏi: Tôi là ai, người Việt Nam, Lào hay Pháp? Tôi đã không chọn riêng lẻ một căn cước nào, mà tất cả. Tôi là người Việt, lớn lên trong vòng tay của bà tôi, một phụ nữ Việt Nam, và cùng ăn uống với dân Việt, dân Lào.
Từng cắp sách đi học ở trường Lào, trường Pháp, thông thạo văn chương Pháp. Tôi không muốn “phân tách” bản thân. Đó là điều gì đó còn đau đớn hơn nhiều. Vì vậy, tôi muốn làm một “con người trọn vẹn”.
Quá khứ tổn thương đã không đè nát tôi, mà ngược lại còn là nguồn cảm hứng nghệ thuật. Thực hiện dự án ảnh sông Mekong, làm việc trong lĩnh vực “nhiếp ảnh nhân văn”, lăn xả trên chiến trường Iraq suốt 30 năm cũng bởi lẽ đó.
Giống như một sự phản kháng, tôi muốn bộc lộ tinh thần phản chiến của mình. Tôi cũng muốn nói ngay cả trong chiến tranh vẫn tồn tại cái đẹp, trong loạn lạc con người vẫn tranh đấu. Sức mạnh loài người là điều tôi muốn toát ra từ các tấm ảnh của mình.
Kể câu chuyện của dòng sông chung, tôi cũng đồng thời kể về một dòng sông riêng tư của chính mình thông qua chuyện những người sống bên bờ sông ấy.
Trong cuốn sách ảnh Mekong, các bức ảnh của tôi kể chuyện vui, chuyện buồn của những người dân sống hai bên bờ sông ấy. Qua khuôn mặt của họ, tôi kể câu chuyện của ông bà tôi, những kỷ niệm gia đình yêu dấu.
Lâm Đức Hiền (phải) và nhiếp ảnh gia chiến trường vĩ đại nhất trong l.ng anh, ông Stanley Green – người từng tích cực tham gia phong trào phản chiến chống chiến tranh Việt Nam ở Mỹ những năm 1970 – Ảnh: PATRICK CODOMIER
Mekong lãng mạn và linh thiêng
* Anh có thể kể vài câu chuyện đáng nhớ và cảm nghiệm của mình trong chuyến đi đời người ấy?
– Khi ở Đồng bằng sông Cửu Long, tôi có khoảng thời gian sống cạnh một người phụ nữ Khmer. Cô ấy kể tôi nghe chuyện đời mình, văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Lúc đó, cô tham gia lễ hội Ok Om Bok – lễ hội đua thuyền của người Khmer vào dịp tháng 10 âm lịch, vừa chèo thuyền vừa hát; bài ca buồn mênh mang và xúc động vô chừng, gợi nhắc những giai điệu tôi từng nghe hồi nhỏ. Chụp ảnh cô lúc đang chèo thuyền, tôi vừa cầm máy ảnh vừa khóc rưng rức.
Bên đầu kia của dòng Mekong, ở Tây Tạng, một ông lão già nua bảo với tôi dòng sông là vật linh thiêng không thể thiếu đối với ông vì ông dùng nước sông để bào chế thuốc chữa bệnh cho người.
Vậy nên Mekong trong trái tim tôi vừa lãng mạn, hoài nhớ, vừa man mác buồn, lại linh thiêng vô cùng. Tất cả những con người ấy đã giãi bày tình cảm của tôi. Họ sống mãi trong sách của tôi, trong thước phim, triển lãm.
Một bức ảnh chụp ở Campuchia của Lâm Đức Hiền
* Được sinh ra bên dòng Mekong rồi lưu lạc khắp chốn, “phức cảm xứ lạ” và cảm giác “đung đưa” giữa các nền văn hóa giúp anh miêu tả thế giới này ra sao?
– Từng sống dưới danh nghĩa người nhập cư, lưu vong, rồi nếm trải chiến tranh, bạo lực, bất công, có cơ hội đến nhiều nơi trên khắp thế giới, tất cả những kinh nghiệm sống phong phú ấy mang đến cho tôi sự sẻ chia, thấu hiểu sâu sắc với những người đồng cảnh ngộ.
Mỗi lần chụp họ, giữa chúng tôi luôn nảy nở niềm thân mật và đồng cảm, các bức ảnh luôn đạt gần nhất có thể mục đích của nó. Tôi đã và đang sống trải một cuộc sống chứa nhiều đời sống, “nghìn lẻ một cuộc đời” (ý từ truyện Nghìn lẻ một đêm).
Một bức ảnh chụp ở Campuchia của Lâm Đức Hiền
Ngắm cây cối lớn lên từng ngày
* Có thể tóm gọn lại chân dung anh bằng mấy chữ “tự do”, “phiêu lưu” và “tình yêu” được không?
– Tôi không nghĩ mình là người phiêu lưu chút nào. Tôi không tìm kiếm những cuộc phiêu lưu, thay vào đó là những câu chuyện. Phiêu lưu nghĩa là tìm kiếm cảm xúc gay cấn, phi thường, trong khi tôi lại háo hức với những gặp gỡ chân tình, ấm nồng, đời thường, gặp gỡ thế giới để trở về khỏa khuây giữa lòng mình.
Cuộc hành trình đi từ ngoại giới trở về nội tâm, khai sáng và thấu tỏ bản thân, chữa lành những đau thương quá khứ, để được giải thoát, được tự do, được an lành. Với tôi, tự do, tình yêu và gặp gỡ chính là những điều yêu dấu nhất trong đời.
Một bức ảnh chụp ở Việt Nam của Lâm Đức Hiền
* Anh thích gì khác ngoài nhiếp ảnh?
– Tôi còn rất thích làm vườn, thích ngắm cây cối lớn lên từng ngày, đâm chồi nảy lộc, ra hoa. Tôi có ước mơ làm một khu vườn hữu cơ bên ngôi nhà của mình ở Lào, ngay cạnh dòng Mekong, để ngày ngày ngắm nhìn vẻ đẹp của sự đến và đi, của sáng tạo và thiên nhiên.