Nghệ sĩ Thanh Hằng thuộc thế hệ thứ 4 của đại gia đình Hai Núi – Tư Hélène, một trong 5 gia đình nghệ thuật tiêu biểu của Việt Nam, thế nên có thể hiểu vì sao trong sâu thẳm của người nghệ sĩ này lại yêu sân khấu, mê được ca đến như vậy. Bước đi đầu tiên của nghệ sĩ Thanh Hằng đến gần với sân khấu cải lương là được bà ngoại cho đi học đàn từ người thầy Út Trong lúc 11 tuổi. 3 năm sau, cô bé Thanh Hằng (lúc đó tên thật là Mỹ Hằng) đã tham gia đoàn Thanh Minh – Thanh Nga với vai trò đầu tiên trong sự nghiệp là một diễn viên múa.
|
Theo nghệ sĩ Thanh Hằng, đoàn Thanh Minh – Thanh Nga chính là nơi khao khát hát cải lương của chị được nuôi dưỡng ngày càng lớn. Nữ nghệ sĩ nhớ lại: “Có một cơ duyên là cô ba Thanh Nga nói với Thanh Hằng rằng vở Bên cầu dệt lụa có ngâm trong hậu trường mấy câu thơ đó, con lắng tai nghe rồi thuộc đi. Mai mốt cô Phụng mà nghỉ thì con sẽ ngâm thế vào trong cái chỗ đó. Trời ơi, tôi mừng lắm luôn…”. Với cô bé Mỹ Hằng đang ở cái tuổi nhiều hoài bão, từng từ từng chữ trong câu nói ấy như mở một lối đi tắt dẫn đến sân khấu cải lương trong vai trò hát chính.
Sau 2 năm gắn bó với đoàn Thanh Minh – Thanh Nga, nghệ sĩ Thanh Hằng gia nhập đoàn Sao Ngàn Phương. Từ đây, vận mệnh cuộc đời người nghệ sĩ này đã thay đổi. Bởi vì nhớ đoàn Thanh Minh – Thanh Nga, Thanh Hằng đã đưa ra một quyết định mà sau đó đã gắn với nữ nghệ sĩ suốt thời hoạt động nghệ thuật đầy thăng trầm và thành công này. “Đi khỏi đoàn Thanh Minh – Thanh Nga cũng khoảng 2 năm thì tôi nhớ đoàn dữ lắm. Một hôm ngồi buồn quá, tôi mới lấy bút ra, chỉ ghi tên của mình là Mỹ Hằng – Thanh Nga, Thanh Nga – Mỹ Hằng. Ghi hết cái tờ giấy vậy đó, tự nhiên tôi kéo chữ Thanh xuống đem xuống chữ Mỹ, rồi để Thanh Hằng. Từ lúc đó, tôi dừng lại ở chữ Thanh Hằng luôn. Và tới khi diễn – lúc đó diễn vở Tấm Cám, tôi mới nói chú giới thiệu nhân vật, vai vế là “Tối nay chú làm ơn đổi tên con đi, giới thiệu tên con tên khác đi, đừng giới thiệu Mỹ Hằng nữa”. Chú hỏi: “Vậy giới thiệu tên gì?”. Tôi bảo: “Nghệ sĩ Thanh Hằng đi chú”, Thanh Hằng kể lại khi tham gia chương trình Dấu ấn huyền thoại.
Nghệ danh thay đổi cũng là lúc vận mệnh xoay chuyển, đưa Thanh Hằng có những bước tiến trong sự nghiệp, từ hát phụ được lên hát đào ba, đào hai. Nhắc đến câu chuyện “nhớ đời” về bước tiến lên hát đào chính của Thanh Hằng có lẽ không thể không nhắc đến đêm diễn vở Áo vải phủ long bào. Thanh Hằng chia sẻ: “Cô Kiều Hoa là đào chính của đoàn Sao Ngàn Phương, cô lại hát cái vai Lê Trinh – con Lê Lợi đó. Tôi mê quá nên lại xin bàn Tổ. Tôi vái Tổ: ‘Cho cô Ba, cô bệnh đi, để cho con được lên hát’. Thời tuổi con nít mà, mê hát quá đi và tôi chỉ xin để được lên hát thôi. Nhưng không ngờ cô Ba lại bị cảm thiệt… Chú Hoài Nhân – chồng cô Kiều Hoa mới nói: ‘Thôi bây giờ Hằng thuộc không?’. Tôi trả lời: ‘Dạ con thuộc’. Thế là đêm đó tôi làm mặt và hát vai Lê Trinh luôn. Từ lúc đó, Thanh Hằng được hát đào chính”.
|
|
|
Với sự nghiệp thành công như ngày hôm nay, nghệ sĩ Thanh Hằng không chỉ có những vận may như chị kể, mà chính là bởi giọng hát được thêu dệt từ sự dịu dàng nhưng nội lực, bên trong sự gai góc có nét mềm mại dễ cuốn hút, xiêu lòng người nghe. Bên cạnh đó, sự mê hoặc của ánh mắt, sự lôi cuốn từ nét diễn trong từng nhân vật được Thanh Hằng hóa thân đều chinh phục người hâm mộ.
Hơn 45 năm hoạt động nghệ thuật, Thanh Hằng đã để lại trong lòng khán giả các vai diễn để đời và những vở tuồng mang dấu ấn. Dù thời hoàng kim của cải lương đã qua, nhưng cái tên Thanh Hằng vẫn chưa bao giờ hạ nhiệt. Và trên sân khấu của Dấu ấn huyền thoại, một lần nữa khán giả được đắm chìm trong không gian cải lương với những vở tuồng bất hủ của nghệ sĩ Thanh Hằng như: Tướng cướp Bạch Hải Đường, Truyền thuyết về tình yêu, Tiếng trống Mê Linh cùng sự tham gia diễn xuất từ các nghệ sĩ Linh Tâm, Quốc Đại, Vũ Luân.
Dấu ấn huyền thoại với nhân vật chính – nghệ sĩ Thanh Hằng được phát sóng lúc 20 giờ 35 ngày 7.7 trên kênh HTV7.