Tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên đoạn qua TP Thủ Đức – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tuổi Trẻ trân trọng giới thiệu hai ý kiến đầu tiên cho diễn đàn “Cùng hiến kế TP.HCM nâng tầm quốc tế”.
Chỉ cần gõ từ “ATM gạo” đã cho ra hơn 1,5 triệu kết quả tìm kiếm. Những ngày cao điểm cả thế giới cùng chống chọi với đại dịch, khi tôi vào các trang báo quốc tế, mục thống kê ở các nước thì hình ảnh nổi bật ở Việt Nam chính là hình ảnh “ATM gạo”.
Toàn cầu chịu một cú sốc trời giáng, mô hình “ATM gạo” ánh lên tia hy vọng về tình người, sự sẻ chia từ chính nhân dân. Dịch bệnh làm con người giữ khoảng cách với nhau nhưng “ATM gạo” lại khiến cho lòng người gần với lòng người hơn.
Do đó, đây là một thứ thương hiệu của TP nghĩa tình, một thứ “nước xốt bí mật” trong một món ăn ngon để món ăn này chinh phục thế giới.
Rộng hơn, nó là chiều sâu của văn hóa một vùng đất, văn hóa của con người được giữ gìn từ những hành động nhỏ nhặt nhất. Sự hào hiệp từ trà đá miễn phí, quán cơm 0 đồng, những đoàn thiện nguyện đêm mùa đông trao quà cho người vô gia cư và lớp lớp những đoàn xe cứu trợ thiên tai khởi nguồn từ mảnh đất này… đó là cách ứng xử văn hóa.
Như một chiếc kiềng 3 chân, không thể phát triển vững về kinh tế, tài chính mà thiếu đi chiều sâu của văn hóa, mà cụ thể là sự ứng xử của con người. Những nhà đầu tư hàng đầu, những doanh nghiệp lớn và những doanh nhân của thế giới đến đây bỏ tiền ra đầu tư, làm ăn thì họ cũng rất coi trọng về yếu tố con người và văn hóa sau bên cạnh lợi nhuận, sự bền vững.
Do đó, nền tảng một TP nghĩa tình là tiền đề rất tốt và thời điểm này là cơ hội để TP.HCM quảng bá với thế giới về con người TP này.
“ATM gạo” là tình cảm của con người đến trước, tiền bạc, đầu tư mới đến sau khi nhà đầu tư đến vì sự nhanh nhạy của con người, thông minh, tương trợ lẫn nhau bên cạnh môi trường đầu tư hấp dẫn. Khi con người quý trọng tình cảm, bất cứ việc gì cũng làm rất dễ dàng, kể cả kinh doanh.
Do đó, từ một câu chuyện cụ thể là “ATM gạo”, TP hãy tận dụng để quảng bá con người của mảnh đất nghĩa tình, tận dụng những cơ hội ngay từ sau đại dịch COVID-19 và tiếp tục nâng tầm mảnh đất nghĩa tình này.
Hòn ngọc phải được “tỏa sáng” bởi kết nối hạ tầng
Các công ty nước ngoài đến Việt Nam ưu tiên chọn TP.HCM để đầu tư bởi sự hấp dẫn có được từ sự năng động, cởi mở của người dân mà trên hết là “tính quốc tế” trong nhịp sống ở đây.
Để “đánh giá” sức hấp dẫn của TP này, chúng tôi đã làm một khảo sát nếu đi từ TP.HCM đến các tỉnh lân cận xem mất bao nhiêu thời gian di chuyển. Kết quả: từ UBND TP.HCM đến UBND tỉnh Đồng Nai mất hơn một giờ đồng hồ, đi Cà Mau bằng ôtô cũng mất 6 giờ 30 phút, Bình Phước là 2 giờ 50 phút.
Với địa thế và tầm nhìn hiện nay, có hai lĩnh vực chính TP.HCM cần được đầu tư nhiều hơn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài, đó là cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông và logistics, hoàn thiện chuỗi cung ứng như nguyên phụ liệu, linh kiện… Khi hạ tầng giao thông được cải thiện hơn nữa sẽ tăng sức hấp dẫn với nhà đầu tư quốc tế.
Một khi tính kết nối của TP được tăng lên thì các nhà đầu tư nước ngoài sẽ chọn TP. Hiện nay, để đi lại giữa TP và Bình Dương, người lao động mất 1 tiếng rưỡi. Trước đây, nhiều chuyên gia, giám đốc doanh nghiệp chọn phương án đi về giữa TP và Bình Dương hằng ngày, nhưng do kẹt xe nên nhiều người chọn phương án chuyển hẳn về Bình Dương sống.
Trong tương lai gần nếu nâng cấp cơ sở hạ tầng giữa TP và các tỉnh, thành được thuận lợi hơn, thời gian di chuyển dưới 2 giờ đi ôtô thì cơ hội kết nối và đầu tư tại các địa phương này sẽ tăng lên rất nhiều. Với nền kinh tế Việt Nam, TP.HCM hoàn toàn có nhiều lợi thế để phát triển lên tầm khu vực, không chỉ là trung tâm kinh tế mà còn là trung tâm tài chính, phát triển công nghiệp sáng tạo.
Chúng ta đều có quyền kỳ vọng TP.HCM sớm thành trung tâm của viên kim cương 8 cạnh trong mối liên kết với 8 tỉnh, thành phía Nam và cả quốc tế.
Ông Shinji Hirai
(trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP.HCM)