Hình ảnh quen thuộc của nhà báo Lưu Đình Long ở Trung tâm Hiến máu Nhân đạo thuộc Hội Chữ thập đỏ TP.HCM (đường Thiên Phước, Q.Tân Bình) chính là một thanh niên hiền lành, thường để tóc ngắn, trầm tính. Nhiều vị y sĩ hay bác sĩ khám, lấy máu cho anh thấy khuôn diện “gần giống nhà sư” của Long, lại khai nghề nghiệp làm báo nên lưu tâm hỏi thăm. Từ đó, có người nhớ mặt, khi anh đến lại trò chuyện như người thân.
|
1. Sinh ra và lớn lên ở Nông Sơn (Quảng Nam), Lưu Đình Long thiếu hụt tình thương của ba, chỉ có bà ngoại và mẹ nuôi anh ăn học. Nhà nghèo, nổi danh hiếu học, vượt khó, anh đã nhận được nhiều sự sẻ chia, giúp đỡ của người khác, trong đó có thầy cô, bạn bè, các nhà hảo tâm từ Sài Gòn… “Tôi luôn nhớ ơn tất cả sự giúp đỡ quý giá đó từ những người đã quý thương mình. Vì vậy, tôi tâm niệm dù cả đời mình dành thời gian chia sẻ với người khác cũng không đủ với những gì mình đã nhận được”, nhà báo Lưu Đình Long nói.
Nói về những gì mình viết, nhà báo sắp bước sang tuổi 38 này cho rằng: “Tôi làm báo nên tiếp xúc được nhiều người ở đủ giai tầng, ai cũng có những nỗi buồn, khó khăn riêng, và họ cần được lắng nghe, chia sẻ. Chính vì vậy, khi nghĩ tới những ách tắc, khổ đau nơi họ, tôi quyết định viết với tâm không phán xét mà chân thành gửi tới họ một cái nhìn tươi tắn hơn. Thực ra, cuộc sống dù khó khăn đến mấy cũng luôn có cách giải quyết, luôn có hướng đi tốt hơn”.
2. Ai gặp Lưu Đình Long ở ngoài đời cũng cảm nhận được sự bình an nơi anh. Có lẽ ngoài viết, anh còn dành cả thanh xuân của mình cho nhiều hoạt động yêu thương khác với mọi người. Tháng 6 năm ngoái, nhà báo Lưu Đình Long còn quyết định đăng ký hiến tạng. “Tôi đã thấu rõ cuộc sống vô thường và khi mình ra đi bất ngờ lúc trẻ, thân thể dù có đẹp cỡ nào cũng trở nên vô dụng nên tôi quyết định dành tặng mô tạng còn dùng được cho người cần nó”, anh nói một cách nhẹ nhàng.
|
Mẹ anh, một người phụ nữ Quảng Nam chịu thương chịu khó, cũng hiểu và ủng hộ những quyết định của con mình. Ngay cả việc anh hiến tạng bà cũng thuận tình: “Tôi nghĩ con trai mình muốn làm những việc ý nghĩa. Đó là điều tôi dạy con từ nhỏ: sống tử tế và có ích nên không có lý do gì tôi cản con mình”, bà Đỗ Thị Hiền, thân mẫu của nhà báo Lưu Đình Long, nói. Hơn ai hết, bà và con trai hiểu rõ những cảnh nghèo, khó khổ cần được giúp đỡ, hỗ trợ như thế nào.
|
3. Là một người sống giản dị, Lưu Đình Long cũng lan tỏa lối sống ấy với người khác, nhất là những người mến mộ anh trên Facebook. Nhiều người bày tỏ cảm kích, cho biết đã chữa lành những vết thương do đổ vỡ ở trong lòng nhờ áp dụng cách anh đã nhìn, đã nghĩ và đã làm: nhận diện hiện tại, chấp nhận và sống tích cực ngay lúc này; không tìm về quá khứ hay mơ tưởng tương lai.
“Tôi chỉ mong những việc mình làm có thể giúp được người đang khổ bớt khổ; để người tốt được có cơ hội tốt hơn vì mở lòng sẻ chia”, nhà báo Lưu Đình Long bày tỏ. Chính vì vậy, anh cho biết sẽ lại tiếp tục miệt mài viết sách để an ủi người hữu duyên, “cùng khổ” như mình; mỗi năm làm vài hoạt động giúp người khó khăn, ngặt nghèo để họ đón tết, vui với niềm vui chung của cộng đồng. “Nhiều bàn tay sẽ vỗ nên tiếng kêu mà phải không”, anh nhẹ nhàng nói.
|