Lời tri ân từ tâm dịch

TP – “Cảm ơn các y bác sĩ BV Phổi Bắc Giang đã cứu sống em – BN Giang” – dòng chữ ngắn gọn của bệnh nhân nặng mắc COVID-19 cùng tấm ảnh chụp chung với những bác sĩ đã cứu mình khỏi bàn tay tử thần như lời động viên với đội ngũ nhân viên y tế đang căng mình chiến đấu với dịch bệnh.

Sáng 4/6, bệnh nhân N.V.Giang (1987, quê Lục Nam, Bắc Giang) được cai máy thở sau 12 ngày điều trị, đồng thời có kết quả xét nghiệm lần 1 âm tính với SARS-CoV-2. Trước đó, ngày 21/5, anh G. được phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 và ngày 23/5 được nhập viện tại Trung tâm Y tế Hiệp Hòa, có biểu hiện ho nhiều, tức ngực, sốt. Ngày 25/5, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện khó thở và được chuyển tới Bệnh viện Phổi Bắc Giang.

Tham Khảo Thêm:  Vaccine COVID-19 của Việt Nam thử nghiệm giai đoạn 3

Tại đây, bệnh nhân được chỉ định thở ôxy, điều trị bằng kháng sinh, bù điện giải, hạ sốt, nhưng tình trạng bệnh không cải thiện. Đến 14h ngày 26/5, bệnh nhân được chỉ định thở HFNC, song tình trạng bệnh cải thiện kém, vẫn sốt nhiều, kéo dài liên tục, tình trạng suy hô hấp không cải thiện. 22h ngày 27/5, bệnh nhân được chỉ định thở máy qua ống nội khí quản, lọc máu qua màng lọc Oxiris… Tình trạng bệnh tiến triển tốt dần lên.

Đến 9h30 ngày 2/6, bệnh nhân được rút ống nội khí quản, kết thúc thở máy, chuyển sang thở HFNC. Theo kết quả đánh giá từ bệnh viện, tình hình bệnh tiến triển tốt, bệnh nhân đáp ứng tốt với điều trị. Là bác sĩ điều trị trực tiếp cho ca bệnh này, bác sĩ Trần Thanh Linh (Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM) cho biết, đây là ca bệnh điển hình của bệnh nhân COVID-19 trẻ, chuyển biến nặng. Mới từ TPHCM ra Bắc Giang được vài ngày, bác sĩ Linh và các đồng nghiệp tiếp nhận bệnh nhân G. là ca nặng đầu tiên.

Tham Khảo Thêm:  Súc họng sát khuẩn - liệu pháp tại chỗ trong hỗ trợ điều trị viêm họng | Sống vui khỏe

Nhớ lại giây phút đón bệnh nhân đặc biệt này, bác sĩ Linh cho biết: “Đây là ca nặng đầu tiên mà đội phản ứng nhanh của Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận và quyết định phải đặt nội khí quản luôn. Bệnh nhân trẻ và bị nặng, có thời điểm tưởng phải can thiệp ECMO (hệ thống tim phổi nhân tạo), nhưng sau đó đã điều trị thành công bằng thở máy. Hiện tại, bệnh nhân tỉnh táo, có thể ăn uống và đặc biệt xét nghiệm ngày 3/6 đã có kết quả âm tính lần 1 với SARS-CoV-2”.

Trên giường bệnh, anh Giang bày tỏ mong muốn được chụp ảnh với các bác sĩ đã cứu sống mình. Anh đưa tờ giấy, bác sĩ Linh cầm đọc dòng chữ “Cảm ơn tất cả các y bác sĩ BV Phổi Bắc Giang đã cứu sống em – BN Giang”. Với bác sĩ Linh, người từng tham gia điều trị nhiều ca COVID-19 nặng “thập tử nhất sinh”, trong đó có nam phi công người Anh mang mã số BN91 thì dòng chữ ngắn ngủi nhưng chất chứa yêu thương này tiếp động lực để các anh thêm tinh thần chiến đấu.

Tham Khảo Thêm:  Viện thẩm mỹ Seoul Center tưng bừng ưu đãi: Nâng mũi Hàn Quốc 4,9 triệu đồng | Khoẻ đẹp mỗi ngày

Chia sẻ thêm về 2 ca nặng đang được can thiệp ECMO tại Bệnh viện Phổi Bắc Giang, bác sĩ Linh cho biết: “Bệnh nhân ECMO đầu tiên là nam giới 61 tuổi có tín hiệu khả quan, hy vọng diễn tiến thuận lợi trong vài ngày tới. Các thầy thuốc đang cố gắng giảm từng thông số ECMO để cai ECMO, nhưng chắc chắn sẽ vẫn phải tiếp tục thở máy. Còn ca thứ 2 là bệnh nhân nữ (65 tuổi) phải đặt ECMO ngày 3/6 trên nền béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường. Tổn thương phổi diễn tiến rất nhanh, chặn khí và suy hô hấp, tụt huyết áp nhanh nên phải đặt ECMO. Đến sáng 4/6, huyết áp đã ổn định, oxy máu cải thiện, tuy nhiên tiên lượng vẫn nặng và phụ thuộc ECMO”.

Bệnh viện Phổi Bắc Giang đang điều trị cho 72 bệnh nhân COVID-19, trong đó 2 ca không có biểu hiện lâm sàng, 27 ca biểu hiện lâm sàng, 6 ca tiên lượng nặng, 25 ca nặng ngửi oxy, 8 ca nặng thở máy không xâm nhập, 2 ca nguy kịch thở máy ICU và 2 ca đang can thiệp ECMO.

Hà Minh


Viết một bình luận