Lê Thành Nghị – trăn trở cùng thơ trong ‘Cây vườn thức với gió’ | Văn hóa

Cây vườn thức với gió  là công trình tâm huyết của Lê Thành Nghị. Sách gồm 284 trang, khổ kinh điển 14,5×20,5. Cuốn sách cho thấy tấm lòng thủy chung của Lê Thành Nghị với thơ. Phần 1, với tiêu đề “Những nhà thơ tâm hồn đầy hoa cúc dại”, tác giả giới thiệu 12 “khuôn mặt” thơ, trong đó có những nhà thơ nổi danh như: Ý Nhi, Xuân Quỳnh, Lâm Thị Mỹ Dạ, Phan Thị Thanh Nhàn, Đinh Thị Thu Vân, Phan Huyền Thư. Phần 2, “Nghe gió thoảng biết cây còn thức” giới thiệu 11 “khuôn mặt” thơ.

So với phần 1, ở phần 2 dường như Lê Thành Nghị đào sâu hơn vào các “vỉa tầng” thi ca. Anh tìm hiểu ngôn ngữ trữ tình trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, nghiên cứu về thơ của nhiều “cây đa, cây đề” như: Bích Khê, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính, Huy Cận – những tên tuổi tiêu biểu của phong trào Thơ mới đầu thế kỷ 20. Ngoài ra còn có các nhà thơ nổi danh đương đại như: Vũ Cao, Bằng Việt, Trần Nhuận Minh. Cây vườn thức với gió còn giới thiệu vài trường hợp là nhà thơ mới thành danh những năm gần đây.  

23 tiểu luận phê bình trong tập Cây vườn thức với gió, ngoài 1 bài nhà phê bình văn học Lê Thành Nghị không đề năm là Yên Lan, trăng trên bến My Lăng, 1 bài viết năm 2012, 1 bài viết năm 2016, 1 bài viết năm 2017; còn lại đều được viết trong 2 năm 2019 – 2020. Như vậy, ngoài sáng tác, những năm gần đây Lê Thành Nghị dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu, tìm hiểu thơ. Khác với nhiều nhà phê bình, anh nghiên cứu về các nhà thơ, tác phẩm của họ sau khi đã qua “kiểm duyệt” của “ông già thời gian”, như cách nói của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo lúc sinh thời.

Điều này có thể thấy như ở tiểu luận Ý Nhi, bông cúc nhỏ nơi vườn khuya lặng lẽ, Lê Thành Nghị đi sâu vào tác phẩm Người đàn bà ngồi đan Ý Nhi sáng tác năm 1984; soi chiếu tác phẩm của nhiều nhà thơ đã mất, hoặc từ lâu, tác giả ít thấy họ xuất hiện trên các trang báo, các sự kiện văn học nghệ thuật.

Nhà phê bình văn học Lê Thành Nghị cũng là trường hợp hiếm hoi tiếp tục nghiên cứu về những tác giả thuộc thế hệ “muôn năm cũ” như: Bích Khê, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính, Huy Cận, Yến Lan; hoặc những tác phẩm đã trở thành giá trị nhân loại như Truyện Kiều của Nguyễn Du. Nếu như “Tất cả cảm hứng thi ca đều chỉ là giải mã những giấc mơ” (Hans Sachs), thì nhà thơ Lê Thành Nghị đang “giải mã” những giấc mơ đã trở thành thi ca của nhiều nhà thơ nổi danh, tiền bối.

Tham Khảo Thêm:  Truyện ca trong nhạc Việt: Đường nào lên thiên thai? | Văn hóa

Các cách Lê Thành Nghị đặt vấn đề khi nghiên cứu về Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du cho thấy sự thận trọng đối với một di sản đa tầng. Anh viết “Bài viết này chỉ muốn bàn đến một phần nhỏ về những đóng góp độc đáo của Nguyễn Du trong lĩnh vực ngôn ngữ, một trong những đóng góp tinh túy nhất của Nguyễn Du. Đó là ngôn ngữ biểu cảm, tức là ngôn ngữ trữ tình trong Truyện Kiều”.

Bằng nhiều phương pháp ký hiệu, ký tự… Lê Thành Nghị với trái tim thi sĩ trắc ẩn đã “vi phẫu” từng ngữ cảnh khác nhau trong Truyện Kiều để khẳng định ngôn ngữ trữ tình trong tác phẩm của Nguyễn Du, làm giàu thêm tâm hồn Việt. Anh kết luận “Tiếng Việt đến Nguyễn Du đã hoàn thiện thêm một bước, thành ngôn ngữ dân tộc, vừa bác học vừa phổ thông”. Không phải ngẫu nhiên, học giả Phạm Quỳnh (1892 – 1945) từng khẳng định “Truyện Kiều còn tiếng ta còn”.

Tham Khảo Thêm:  Nghệ sĩ Thanh Hằng kể chuyện thay đổi cuộc đời vì một cái tên | Văn hóa

Bích Khê, một thi sĩ xuất hiện vào giữa cuối phong trào Thơ mới (1932 – 1945) là người “mang rõ phong cách của Trường thơ Loạn” do Hàn Mặc Tử khởi xướng năm 1937, được Hàn đánh giá “Ta có thể sánh văn thơ của Bích Khê như đóa hoa thần dị”. Sau này Hoài Thanh vẫn băn khoăn, nhận định: “Đã đọc không biết mấy chục lần… thấy trong đó những câu thơ đẹp. Nhưng không dám chắc bài thơ đã nói hết cùng tôi những nỗi niềm riêng của nó. Hình như vẫn còn gì nữa...” (Thi nhân Việt Nam). Phải chăng vì điều ngay cả người tinh tường như Hoài Thanh vẫn “không dám chắc” mà nhà phê bình Lê Thành Nghị tiếp tục dấn thân Tìm hiểu bí ẩn trong thơ Bích Khê, như tên một tiểu luận của anh?

Là người khiêm tốn trong đời sống cũng như trong các phát biểu trên các diễn đàn về văn học nghệ thuật, các văn bản của mình về nghiên cứu, Lê Thành Nghị không “tuyên ngôn”. “Thơ nằm ngoài sự hiểu biết của con người về thơ” (nhà thơ Thạch Quỳ), Lê Thành Nghị đã có những phát hiện thú vị về cái đẹp, cái lạ, cái quý, cái hiếm trong thơ Bích Khê.

Tham Khảo Thêm:  Á hậu Hoàng My và nhật ký 7 ngày làm tình nguyện

Đọc tiểu luận, phê bình thơ của Lê Thành Nghị, người đọc dễ nhớ sự nghiệp phê bình của nhà thơ Xuân Diệu và Vũ Quần Phương, nhà phê bình văn học Lại Nguyên Ân. Họ, bằng tình yêu với thơ, lao động thơ nghiêm túc đã góp phần làm mới, khẳng định nhiều giá trị của thơ. Đọc Cây vườn thức với gió, dễ nhận ra trái tim Lê Thành Nghị luôn “thức” với thơ, canh cánh cùng thơ. Trái tim anh cũng có một “cây vườn” thức với thi ca.

“… thơ ca vốn là một lĩnh vực tinh thần có bản năng sinh tồn kỳ lạ, không theo quy luật thông thường. Càng khổ cực con người càng cần có thơ ca, càng gian nan cuộc đời càng cần lãng mạn, càng khốc liệt tâm hồn càng tươi xanh” (bài viết Lâm Thị Mỹ Dạ hồn đầy hoa cúc dại).

Nhà thơ Lê Thành Nghị sinh ra ở vùng đất hạ lưu sông Nghèn (Hà Tĩnh) cách biển không xa. Con người quê anh suốt đời lam lũ, chịu thương, chịu khó… Quê ấy góp phần nuôi dưỡng những phẩm hạnh thi ca Lê Thành Nghị: dung dị, thủy chung, đắm đuối với quê hương đất nước.

Nhà thơ Lê Thành Nghị đã 3 lần được giải thưởng Hội Nhà văn (các năm 2000, 2004, 2018), 3 lần được Giải thưởng Bộ Quốc phòng (các năm 1998, 2005, 2018). Về lý luận phê bình anh được Giải thưởng Hội đồng lý luận năm 2019. Đặc biệt anh đã được nhận Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2012.



Viết một bình luận