Còn nhà báo Tiểu Quyên không thể nào quên kỷ niệm với đạo diễn Lê Cung Bắc: “Năm ấy, trò chuyện với chú khi Mỹ nhân Sài thành phát sóng. Chú bảo vẫn đang ấp ủ một kịch bản hay, sẽ làm. Và giờ dự án vẫn còn đang dở… Sớm nay là những cuộc điện thoại – có lúc chỉ có thể lặng im lắng nghe khi đầu dây bên kia là những chia sẻ trong tiếng khóc…”
Nhà thơ Bùi Chí Vinh cho biết nhân duyên may mắn gặp được đạo diễn Lê Cung Bắc: “Tôi biết và chơi với anh trong những đêm thơ nhạc, từ nhà anh Lê Chánh ở Q.3 (TP.HCM) cho đến nhà anh Huỳnh Bá Thành, rồi Đoàn Thạch Biền ở Q.Tân Bình. Những lần như thế thường có mặt các tửu khách Phạm Thùy Nhân, Lê Kim Ngữ, Ngụy Ngữ, Nguyễn Chánh Tín, Hồ Ngọc Xum, Nguyễn Hải… Đặc biệt những lần gặp gỡ đó, sở trường của Lê Cung Bắc không dính dáng gì đến xi-nê mà lại là …ngâm thơ”.
Cũng theo tác giả Ngũ quái Sài Gòn Bùi Chí Vinh: “Lê Cung Bắc là một trong 4 người ngâm bài thơ Hồ Trường của Nguyễn Bá Trác hay nhất Việt Nam theo nhận xét của riêng tôi. Người đứng đầu là một dị nhân mặc đồng phục bà ba đen bạn của Nguyễn Tôn Nhan mà tôi không biết tên. Khi ngâm thơ, ông bắt buộc gia chủ phải tắt hết đèn đóm chỉ toàn bóng tối. Người thứ hai là Nguyễn Hải (em ruột thi sĩ Thùy Dương Tử) với giọng ngâm uất khí ngất trời được tôi luyện “echo” từ trong các lu nước lúc thiếu thời, khi Hải ngâm thì các dây đàn guitar trên tay anh đều đứt sạch. Người thứ ba là Trần Lãng Minh đang sinh sống ở Hoa Kỳ, là chồng của nữ ca sĩ Hằng Nga tức Nga My. Khi anh ngâm thì không khí trong phòng phải không một tiếng động. Và người cuối cùng chính là Lê Cung Bắc. Khi biểu diễn Hồ Trường, bao giờ Lê Cung Bắc cũng kèm theo… tiếng nổ. Anh ực cạn chung rượu, đập vỡ chung hoặc ly và thơ cứ thế tràn ra”.
Được biết vào những năm 1990 – 2000, thời hoàng kim phim truyện và tài liệu của Hãng phim TFS (Đài Truyền hình TP.HCM), có lần, nhà văn Trầm Hương được đạo diễn Lê Cung Bắc mời ăn cơm trưa với diễn viên Việt Trinh. Tại đây, đạo diễn có nói về việc chọn Việt Trinh vào vai Bạch Cúc. Nhà văn Trầm Hương kể: “Việt Trinh lúc ấy rất vui, lắng nghe anh và tôi nói về kịch bản phim Người đẹp Tây Đô đầy vẻ cầu thị… Anh rất tôn trọng kịch bản, từng chi tiết và biết chọn chi tiết đắt”.
Cũng theo nữ văn sĩ Trầm Hương tiết lộ: “Kiến thức nền về văn học của anh sâu sắc. Anh đọc nhiều nên tôn trọng tác giả, giữ được cái thần của kịch bản. Có lần anh tâm sự rất muốn làm bộ phim truyện về phi công Hồ Duy Hùng với kỳ tích cướp máy bay, đáp xuống vùng giải phóng. Nhưng kinh phí, điều kiện làm phim còn hạn hẹp, anh không vội làm, vì thà không làm còn hơn là làm qua loa, “giết chết” tác phẩm thì uổng quá”.
|