Nha đầu xuất phát từ chữ 丫頭 trong Hán ngữ. Nha (丫) có nghĩa là “chỗ xòa ra ở phần trên của vật gì đó”; còn đầu (頭) là “đầu tóc, đầu người”.
Ngày xưa, đầu của trẻ gái thường cột tóc trái đào, rẽ sang hai bên, nên chúng thường được gọi là nha đầu. Trong bài Kí tặng Tiểu Phiền (寄贈小樊) của Lưu Vũ Tích đời Đường có câu: Hoa diện nha đầu thập tam tứ (花面丫頭十三四). Có người dịch câu này là “Em gái tuổi mười ba mười bốn mặt đẹp như hoa”. Nghe cũng hay, song dịch như thế là chưa chính xác, vì chẳng có bông hoa nào cả. Ngày xưa, phụ nữ thường trang trí hoa văn trên mặt nên được gọi là hoa diện. Nhiều bài thơ cổ cũng đã đề cập đến kiểu trang trí này, về sau hoa diện phát triển thành phong cách trang điểm gây ấn tượng mạnh hoặc thành kiểu trang điểm trên khuôn mặt trắng, đặc biệt là trong Việt kịch (粤剧), tức Kinh kịch nói tiếng Quảng Đông (Cantonese Opera).
Từ nha đầu có những giá trị biểu cảm khác nhau. Cách gọi này có thể dùng để chỉ cô bé (nói chung), hoặc là tiếng thân mật mà cha mẹ dùng để gọi con gái, bậc trưởng bối tỏ vẻ thương yêu trẻ gái; đôi khi còn là cách bạn trai gọi cô gái nào đó hoặc do bạn bè gọi nhau. Trong trường hợp này, nha đầu thường có nghĩa là cô bé xinh đẹp, dễ thương.
Tuy nhiên, nha đầu còn là tiếng khinh miệt đối với người con gái. Nha đầu phiến tử (丫頭片子) là cô bé hoặc cô gái ngốc nghếch; hoàng mao nha đầu (黃毛丫頭) là cô bé ngốc nghếch; xú nha đầu (醜丫頭) là cô gái xấu xí; dã nha đầu (野丫頭) là cô gái ngang ngược, quê mùa hoặc lanh chanh, nghịch nhộn (hoyden)…
Ở Việt Nam, ngoài nha đầu còn có cách gọi khác là a đầu, tương tự như vậy, nha hoàn còn được gọi là a hoàn.