PGS-TS Vũ Ngọc Thanh, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Sân khấu – Điện ảnh TP.HCM, nhắc đến bộ phim Parasite (Ký sinh trùng) của đạo diễn Bong Joon-ho đoạt giải Oscar năm 2020 ở nhiều hạng mục quan trọng như một ví dụ cho thấy sự thành công của nền điện ảnh Hàn Quốc có được qua hành trình phát triển của nhiều thế hệ biên kịch, đạo diễn, diễn viên, quay phim, họa sĩ thiết kế, nhạc sĩ, nhà sản xuất… Qua đó, có thể hiểu, một nền điện ảnh khó có thể phát triển nếu thiếu đi sự cộng hưởng từ các ngành nghề.
Đạo diễn Charlie Nguyễn chia sẻ thực tế hầu hết những đoàn làm phim ở Việt Nam có thể mạnh ở khâu này, nhưng lại yếu ở khâu khác. “Chưa có đoàn nào mạnh được tất cả các khâu”, anh nhìn nhận.
Theo Charlie Nguyễn, một trong những yếu tố để một bộ phim Việt có thể tiếp cận công chúng quốc tế là phải có cách kể chuyện tốt. “Mà muốn làm được điều đó thì đặt nặng ở biên kịch, sau đó là đạo diễn, ngoài ra là đội ngũ cả trăm con người góp phần. Nếu có bộ phận nào yếu thì sẽ làm giảm chất lượng đi”, đạo diễn Charlie Nguyễn nói. Anh cho biết thêm để tạo nên những đoàn làm phim mạnh, ở Mỹ có những hiệp hội quản lý những ngành nghề khác nhau từ biên kịch, sản xuất, ánh sáng, diễn viên… để buộc những người tham gia trong từng khâu đều phải chuyên nghiệp.
Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh, thừa nhận điện ảnh Việt Nam đang thiếu những ê kíp giỏi. “Điện ảnh là ngành tổng hợp, không phải đơn lẻ, trong khi chúng ta chưa tạo được những ê kíp giỏi liên tài với nhau”, ông Thành nhận định. Cũng theo ông, một mặt, điện ảnh Việt đã có những đạo diễn, quay phim, biên kịch… giỏi nhưng họ lại nằm rải rác, chưa có sự gắn kết. Mặt khác, việc đào tạo cũng mất cân bằng, chưa đồng đều ở các ngành nghề.
10 người đi học nước ngoài thì 9 người muốn học làm đạo diễn, không ai muốn theo học ngành nghề khác
Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh
“Chẳng hạn, 10 người đi học nước ngoài thì 9 người muốn học làm đạo diễn, không ai muốn theo học ngành nghề khác. Trong khi đó, điện ảnh đâu phải chỉ có đạo diễn là giải quyết được hết vấn đề đâu. Có đạo diễn giỏi mà hình ảnh dở, âm thanh tệ, kỹ xảo yếu kém… thì đâu có được. Để tạo ra một bộ phim tốt cần phải có chất lượng đồng bộ ở các khâu”, ông Thành phân tích.
Bố già nằm trong số phim Việt hiếm hoi thành công khi vươn ra thị trường quốc tế
Đào tạo “theo ê kíp” để đi bước dài
Theo đạo diễn Phan Đăng Di, đào tạo luôn là yếu tố đầu tiên cần được nhắc tới trong chiến lược phát triển điện ảnh. Anh cho rằng: “Vấn đề lớn nhất cản trở cơ hội phát triển bền vững của nền điện ảnh Việt Nam là chất lượng nguồn nhân lực yếu và thiếu nền tảng đào tạo hiện đại, bài bản”. Đạo diễn Phan Đăng Di nhìn nhận, những cơ sở đào tạo điện ảnh tại Việt Nam hiện chưa “đủ sức để tạo ra nguồn nhân lực đủ sức cạnh tranh với thế giới”.
Cùng quan điểm, đạo diễn Charlie Nguyễn cho rằng hầu hết những người tham gia làm phim đều học hỏi chủ yếu từ kinh nghiệm làm việc chứ không phải từ học hành bài bản. “Điều đó cũng cho thấy chúng ta chưa có nơi đào tạo mang nhiều ứng dụng cho những người làm nghề”, anh nói.
Một trong những điểm hạn chế trong việc đào tạo điện ảnh hiện nay mà PGS-TS Vũ Ngọc Thanh chỉ ra là nhiều giáo trình còn chưa được thay đổi; cập nhật phương tiện, trang thiết bị còn thiếu so với nhu cầu đào tạo công nghệ điện ảnh hiện đại.
Có một thực tế, nhiều bạn trẻ đăng ký thi tuyển vào các trường đào tạo điện ảnh chủ yếu lựa chọn khoa đạo diễn hay diễn viên. Với những ngành khác, trong đó có biên kịch, có năm thí sinh dự thi còn ít hơn cả chỉ tiêu tuyển sinh. Hiện tại, một số sinh viên ngành điện ảnh đã được cử đi đào tạo tại Mỹ, Úc… theo đề án Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030. Tuy nhiên, bên cạnh việc lựa chọn đúng tài năng, việc đưa đi đào tạo cũng cần “theo ê kíp”.
Theo ông Vi Kiến Thành, số lượng sinh viên ngành điện ảnh được nhà nước cử đi chưa nhiều (có năm chỉ 3 – 4 người là tối đa), trong khi đã có nhiều bạn trẻ yêu thích điện ảnh và đi học nước ngoài theo những con đường khác nhau. Dù vậy, ngành học chủ yếu của những bạn trẻ này vẫn là đạo diễn. Việc này càng cho thấy sự mất cân bằng trong đào tạo giữa những ngành nghề trong lĩnh vực điện ảnh.
“Chúng ta cần lựa chọn đào tạo tại nước ngoài cả ê kíp làm phim, chứ không riêng ngành đạo diễn. Sau khi đi học về, họ sẽ tạo thành ê kíp để đi làm phim luôn. Nếu có những ê kíp đồng bộ như vậy thì chỉ cần 5 – 10 ê kíp đi với nhau, cùng nhau làm thì có thể đưa điện ảnh Việt đi một bước dài”, ông Thành nhìn nhận.
Theo PGS-TS Trần Luân Kim, nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh VN, để điện ảnh Việt giao lưu với thế giới, có nhiều việc cần làm với đào tạo, chẳng hạn thực hiện chiến lược đào tạo ngắn hạn và dài hạn ở trong cũng như ngoài nước.
“Trong nước, cần chú trọng hiệu quả đào tạo thông qua cải cách giáo dục chuyên ngành. Ngoài nước, cần mạnh dạn cung cấp nguồn kinh phí tương hợp, cử loạt sinh viên được tuyển chọn kỹ lưỡng đi du học ở các nước có nền điện ảnh phát triển”, PGS-TS Trần Luân Kim đề xuất.