Lăng được xây dựng vào năm 1920 do Tiền quân Đô thống phủ Lê Văn Bá là người chỉ huy và kéo dài 11 năm mới hoàn thành. Tham gia xây dựng lăng có rất nhiều thợ lành nghề và nghệ nhân nổi tiếng khắp cả nước như Phan Văn Tánh, Nguyễn Văn Khả, Ký Duyệt, Cửu Sừng…
Ngoài ba kiệt tác trên, còn có một bức phù điêu mặt trời rất to mà bất kỳ ai vào lăng cũng đều sững sờ trước sự nổi bật về màu sắc và vẻ đẹp hoành tráng bởi kích thước của nó. Nhưng tiếc rằng nó chưa được quan tâm nhiều nên bị lép vế với ba bức bích họa.
Vị trí của bức phù điêu này thuộc phía sau tượng vua, thể hiện phân nửa thuộc phần trên mặt trời, về tổng quan của nó có thể chia làm ba phần cùng với màu sắc khác nhau như: phần trong là màu đỏ bầm được thể hiện nhiều vòng tròn và trên các vòng này có rất nhiều tia nhỏ ngắn dài khác nhau; phần giữa là quầng mây ngũ sắc với rất nhiều các dải mây nhỏ liên hoàn; phần ngoài cùng là ánh hào quang với các tia ngắn dài xen kẽ và có màu nâu đỏ xen màu vàng.
![]()
|
Mối quan hệ giữa mặt trời và hoa cúc
![]() Lưỡng long chầu nhật trên hai cửa hông
|
Ngoài ra, cũng còn phải kể đến hình tượng mặt trời có hai rồng chầu (lưỡng long chầu nhật) thể hiện ở trên hai cửa hông trong lăng, và điều đáng nói phía trong cũng là hoa cúc và phía ngoài là các tia mặt trời bao quanh. Hình như ý nghĩa của loại hoa này cùng với khát vọng trường tồn của vương triều Nguyễn đã tạo nên nguồn cảm hứng sáng tạo thật phong phú và độc đáo của các nghệ nhân xưa.
Cuối cùng một điều cần được nói thêm ở đây là, qua hình ảnh mô típ ở ba đến bốn lớp các đầu cánh hoa ở bức phù điêu nêu trên, cho thấy chúng giống như một bản sao với cái gọi là “văn cẩm quy” thể hiện trên các đồ sứ của triều Nguyễn. Vấn đề được đặt ra là “văn cẩm quy” thể hiện trên đồ sứ có phù hợp hay không? Bởi thực tế cho thấy rất nhiều chén đĩa, bình được sử dụng hoa văn này làm nền, và đều được xuất phát ôm quanh vòng trôn trở lên trông cũng chẳng khác gì một bông hoa cúc. Vấn đề này tôi xin gửi đến các nhà nghiên cứu về đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn, nhưng theo cá nhân tôi thì nên gọi là “văn cánh cúc”. Còn ở hình tượng mặt trời thì “văn cẩm quy” là không thể.