Tác phẩm Người đàn bà bên ngọn đèn dầu của Đỗ Quang Em
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn – chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam – cho rằng Đỗ Quang Em cùng với Nguyễn Trung, Hồ Hữu Thủ, Nguyễn Lâm… đại diện cho những khuynh hướng sáng tác của lứa họa sĩ Sài Gòn trước 1975 và làm nên diện mạo hội họa Sài Gòn.
“Đỗ Quang Em là một họa sĩ của đời sống thường nhật. Tâm hồn ông thuộc về thế giới đó – một thế giới tĩnh lặng, rực sáng ở bên trong, long lanh mà không hào nhoáng…
Nhà phê bình mỹ thuật Quang Việt
“Chọn cho mình một lối đi riêng, hội họa của Đỗ Quang Em đã sớm được gọi tên hội họa cực thực (hyperrealism), nhưng hội họa của ông có cả cực thực và siêu thực. Với lối vẽ riêng biệt ấy, ông đã tìm ra và thể hiện rất thành công vẻ đẹp điển hình của người Nam Bộ trong các chân dung của mình. Là người kiệm lời, chừng mực, bạn bè tiếp xúc với ông đều cảm nhận được ông là một người có trái tim lành, hiền hậu” – họa sĩ Lương Xuân Đoàn nói.
Theo ông Đoàn, đóng góp của Đỗ Quang Em thầm lặng nhưng rất quan trọng để tạo nên sự đa dạng trong các khuynh hướng sáng tác của nghệ thuật đương đại Việt Nam. Ông chắt lọc tất cả những gì tinh túy nhất của Nam Bộ để tạo nên ngôn ngữ hội họa riêng biệt. Là một trong những người đi những bước đầu tiên và khá thành công với hội họa cực thực, cho tới nay, nói đến hội họa cực thực ở Việt Nam người ta phải nói tới Đỗ Quang Em.
Ông Đoàn đặc biệt ấn tượng bởi “thứ ánh sáng nội tâm, ánh sáng tinh thần, ánh sáng của cõi tâm linh lúc nào cũng váng vất trong không gian bức họa” của Đỗ Quang Em.
Tuy kém Đỗ Quang Em chừng chục tuổi nhưng Lê Huy Tiếp cũng là một đại diện của phong cách cực thực và siêu thực ở miền Bắc. Bởi cái chung này mà họa sĩ Lê Huy Tiếp đã sớm thân thiết với Đỗ Quang Em ngay từ những năm cuối thập niên 1970.
Theo họa sĩ Lê Huy Tiếp, gia đình họa sĩ họ Đỗ có truyền thống ba đời làm ảnh nên ông chụp ảnh rất đẹp. Từ các bức ảnh, ông mới sáng tác một lần nữa trong tranh.
Ông Tiếp đánh giá trong nền nghệ thuật đương đại Việt Nam, Đỗ Quang Em với con đường nghệ thuật kiên định của mình đóng vai trò khá quan trọng, định hình một cách vẽ hiện thực ảnh có tác động rất lớn với các thế hệ đi sau.
Ông Tiếp còn rất nể trọng bạn ở tình yêu quê hương và sự khiêm tốn. Dù con cái ông ở Mỹ nhưng Đỗ Quang Em chỉ sang chơi xong lại về với quê hương xứ sở. Ông từng chia sẻ với Lê Huy Tiếp rằng chỉ ở Việt Nam ông mới sáng tác được. Sự ra đi của họa sĩ Đỗ Quang Em rất đột ngột với ông Tiếp, khiến ông rất buồn bởi lời hẹn gặp nhau đã không thể thực hiện được trong hai năm dịch bệnh.
“Hội họa của Đỗ Quang Em bao giờ cũng đứng riêng một cõi, một chỗ, một địa chỉ. Ông mất trong bối cảnh dịch giã căng thẳng ở Sài Gòn càng khoét sâu hơn nỗi thương cảm, nhớ tiếc của đồng nghiệp” – ông Lương Xuân Đoàn chia sẻ.
Họa sĩ Đỗ Quang Em sinh năm 1942, tại tỉnh Ninh Thuận. Năm 1965, ông tốt nghiệp Trường Quốc gia cao đẳng Mỹ thuật Gia Định. Tranh Đỗ Quang Em mang đến một khung cảnh ấm cúng và gợi ra cảm giác nồng nàn, nhung nhớ cho người thưởng lãm.
Năm 1995, Đỗ Quang Em khiến giới mỹ thuật xôn xao, khi bức tranh Ấm và tách trà được bán giá 50.000 USD tại phòng tranh Galerie La Vong ở Hong Kong. Tranh của ông được giới sưu tập quốc tế ưa thích tập trung vào những chủ đề đơn giản như bộ chén ấm trà, đồ dùng dân dã trong đời sống sinh hoạt và chân dung phụ nữ (người mẫu trong tranh cũng chính là vợ ông).
MAI THỤY