Họa sĩ Đỗ Quang Em qua đời: Ngọn đèn dầu đã tắt

Họa sĩ Đỗ Quang Em qua đời: Ngọn đèn dầu đã tắt - Ảnh 1.

Chân dung tự họa của họa sĩ Đỗ Quang Em

“Đỗ Quang Em là một trong những họa sĩ đặt nền móng quan trọng cho mỹ thuật Việt Nam thời kỳ đổi mới. Dù thời gian sau này họa sĩ Đỗ Quang Em không đủ sức khỏe để sáng tác nhiều, nhưng sự ra đi của ông đã để lại khoảng trống cho giới nghệ sĩ” – họa sĩ Siu Quý, phó chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM, thể hiện sự đau buồn sau khi biết tin.

Họa sĩ Đỗ Quang Em sinh năm 1942 tại tỉnh Ninh Thuận. Năm 1965, ông tốt nghiệp Trường quốc gia cao đẳng Mỹ thuật Gia Định và từ đó tập trung sáng tác thể loại cực thực (hyperrealism). Tranh Đỗ Quang Em mang đến một khung cảnh ấm cúng và gợi ra cảm giác nồng nàn, nhung nhớ cho người thưởng lãm.

Tham Khảo Thêm:  Giới thời trang Việt đấu giá thu được gần 3 tỉ đồng góp quỹ chống dịch Covid-19 | Văn hóa

Năm 1995, Đỗ Quang Em khiến giới mỹ thuật xôn xao với bức tranh Ấm và tách trà được bán giá 50.000 USD tại phòng tranh Galerie La Vong ở Hong Kong.

Tranh của ông được giới sưu tập quốc tế ưa thích, tập trung vào những chủ đề đơn giản như bộ chén ấm trà, đồ dùng dân dã trong đời sống sinh hoạt và chân dung phụ nữ (người mẫu trong tranh cũng chính là vợ ông).

Họa sĩ Đỗ Quang Em qua đời: Ngọn đèn dầu đã tắt - Ảnh 2.

Tác phẩm Chân dung vợ họa sĩ

Nhà phê bình mỹ thuật Quang Việt từng nhận xét: “Đỗ Quang Em là một họa sĩ của đời sống thường nhật, tâm hồn ông thuộc về thế giới đó, một thế giới tĩnh lặng, rực sáng ở bên trong, long lanh mà không hào nhoáng…

Hội họa của ông định vị ra các nhân vật, các đồ vật, nhưng qua tài nghệ của ông, ông lại dành sự xác nhận về chúng cho người xem. Và có thể vì lẽ đó, cái tồn tại như những cái bóng của sự thật, ẩn hiện chập chờn trong sáng tối thời gian, không gian của nội tâm, và sức hút nằm ở những lời giải dường như không bao giờ chính xác”…

Tham Khảo Thêm:  Chim lạc trên trống đồng có phải là... chim nước? | Văn hóa

Đỗ Quang Em sinh ra trong một gia đình làm nghề nhiếp ảnh. Thuở thơ ấu, ông đã được tiếp xúc với các kỹ thuật sáng tối, bố cục đặc trưng của ảnh chụp. Thẩm mỹ trong tranh ông cũng phần nào chịu ảnh hưởng từ đó.

Đỗ Quang Em là bậc thầy chơi đùa cùng ánh sáng và bóng tối. Người xem có thể nhận ra nguồn sáng trong tranh ông thường xuất phát từ một ngọn đèn dầu. Trong cái leo lắt của ngọn bấc, ông phô diễn tâm tình của mình, đẩy cảm xúc đi từ tù mù đến đặc quánh, khiến nhân vật/đồ vật rực rỡ nhưng cũng cho phép họ được rút lui về cõi nội tâm sâu thẳm.

Năm 2000, Tổng thống Mỹ Bill Clinton, trong chuyến thăm Việt Nam, đã nhắc đến việc tranh họa sĩ Đỗ Quang Em được giới thiệu tại nhiều triển lãm quốc tế như một minh chứng sống động cho quá trình toàn cầu hóa.

Họa sĩ Đỗ Quang Em cũng là người có cái nhìn “ngược đời” về chuyện chép tranh. Tác phẩm của ông bị sao chép, làm giả rất nhiều trên thị trường. Thế nhưng, khi được hỏi về vấn đề này, ông lạc quan: “Mình có hay, người ta mới chép. Trên con đường tôi đi, nay đã có thêm bằng hữu. Như vậy, tôi không còn cô đơn nữa”.

Đã hơn 15 năm nay, người họa sĩ tài hoa ít sáng tác dần vì tuổi già, tay run. Vẽ cực thực như Đỗ Quang Em vốn dĩ đòi hỏi nhiều bút lực và khả năng quan sát tinh tế. Cuộc đời ông để lại sức ảnh hưởng mạnh mẽ trong dòng tranh cực thực, vậy nên, dù ngọn đèn sinh mệnh đã tắt nhưng ngọn đèn hội họa thì vẫn cứ sáng mãi.

Viết một bình luận