Đường vạn dặm nhiếp ảnh tư liệu | Văn hóa

Những người mắc kẹt hikikomori của Maika Elan, Di sản văn hóa Hạ Long của Dương Minh Long, Tướng trận thời bình của Trần Việt Văn, Giếng làng của Lê Bích… là các dự án nhiếp ảnh tư liệu lay động lòng người, và cũng cho thấy sự chuyên nghiệp của nhiếp ảnh gia.

Dài hơi, rộng tầm nhìn

Khi Maika Elan đến Nhật Bản hồi năm 2016, cô đã có 6 tháng để chụp các hikikomori – những người tự giam mình không ra ngoài để tham gia các hoạt động đời sống xã hội cũng như gia đình từ 6 tháng trở lên. Những tác phẩm chụp hikikomori của cô sau đó giúp công chúng hiểu hơn về một hiện tượng xã hội ở Nhật Bản. Tại đó, có khoảng 1% dân số là hikikomori. Maika cũng mong muốn sẽ được trở lại để tiếp tục chụp những người này. “Đó là một dự án nhiếp ảnh tư liệu”, Maika nói.




Maika và nhân vật trong dự án chụp các hikikomori Ảnh: NVCC

Maika và nhân vật trong dự án chụp các hikikomori

Nhiều nhiếp ảnh gia Việt Nam đã theo đuổi các dự án nhiếp ảnh tư liệu riêng của mình, có thể là vài tháng, cả năm hoặc kéo qua nhiều năm, thậm chí từ dự án này phát sinh tập sau của dự án. “Nhiếp ảnh tài liệu thiên về những dự án nhiều năm. Cũng khó tính trước được thời gian vì còn tùy nó phát sinh. Hồi 2009, tôi bắt đầu chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Lần cuối tôi gặp ông, ông cũng đã yếu lắm rồi. Tôi nghĩ tại sao tôi không phát triển ra thành bộ ảnh Tướng trận thời bình. Đến tháng 12.2009, dự án Tướng trận thời bình đó đã triển lãm rồi, nhưng sau đó tôi thấy cần phát triển thêm nữa thì tôi mở rộng các binh chủng khác nhau; đến 2014 mới làm triển lãm lần thứ hai là 12 tướng trận thời bình. Thực ra đó là Tướng trận thời bình tập 2…”, ông Trần Việt Văn cho biết.
Những dự án như vậy cho thấy sự đeo bám và tham vọng của tác giả. Nhiếp ảnh gia Hà Tường đã chụp các văn nghệ sĩ trong suốt thời bao cấp. Dự án chụp toàn cảnh di sản thiên nhiên thế giới UNESCO vịnh Hạ Long của nhiếp ảnh gia Dương Minh Long là cuộc chụp di sản kỹ khó tưởng tượng. Ông Long đã lưu lại vịnh trong suốt 1 năm 3 tháng 12 ngày, chỉ để ngắm vịnh, leo lên những vách đá dựng đứng, luồn vào các hang tối. Cho tới giờ, đây là dự án chụp thiên nhiên Hạ Long lớn nhất mà một nhiếp ảnh gia có thể thực hiện.
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Thanh vẫn giữ thói quen chụp tết Hà Nội, đặc biệt là chụp Hà Nội vào mùng một tết. Dù không gọi đó là dự án, kho lưu trữ “mùng một tết Hà Nội” của ông cũng rất đồ sộ. Nhìn vào đó có thể thấy đời sống thay đổi ra sao. Dự án chụp giếng của nhiếp ảnh gia Lê Bích cũng đã kéo dài hơn chục năm. Tuy nhiên, ông Bích chia sẻ vẫn còn tiếp tục. Theo ông Việt Văn, dự án nhiếp ảnh tư liệu là một dấu hiệu để nhận diện tác giả. “Tôi nghĩ việc theo đuổi các dự án lớn thể hiện sự đam mê của nhiếp ảnh gia, quan trọng là thể hiện tác phong làm việc chuyên nghiệp vì nó mất thời gian và cần đầu tư cả trí tuệ lẫn thời gian. Có những dự án tưởng hết nhưng sau đó lại mở ra những con đường khác”, ông Văn nói.

“Thị trường của chúng tôi khác”

Những dự án nhiếp ảnh tư liệu như vậy khiến muôn mặt đời sống được lưu giữ nhiều hơn, người xem cũng được thưởng thức nhiều tác phẩm đa dạng hơn. Nhưng những dự án như vậy rất xa lạ với Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam. Ông Vũ Khánh, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh, cho biết trước tới giờ hội không tài trợ và cũng không có tiền để tài trợ cho các dự án nhiếp ảnh tư liệu. Các cuộc thi nhiếp ảnh tư liệu cũng hiếm hoi. “Tư liệu là một hạng mục rất hay đấy nhưng thỉnh thoảng mới có những cuộc liên quan đến sưu tầm những ngày kỷ niệm lớn ấy. Hồi 1.000 năm Thăng Long có tổ chức sưu tầm ảnh, có trao giải. Sau này có đợt thi sưu tầm tư liệu về 2 cuộc kháng chiến nhưng cũng lâu rồi. Kể cả các tác giả mất rồi thì gia đình vẫn có thể gửi tư liệu để thi. Lâu lâu rồi”, ông Vũ Khánh nói.

Ông cũng cho biết vì thế hội không có những dự án nhiếp ảnh tư liệu có tính đời sống xã hội như bộ Yêu là yêu, từng đoạt giải thế giới của Maika Elan. Thay vào đó, hội chỉ có các cuộc thi ảnh bộ với số lượng giới hạn từ 5 – 8 ảnh, nhưng chất lượng của các bộ ảnh này cũng không sáng chói.

Tuy nhiên, xu hướng theo đuổi những dự án nhiếp ảnh tư liệu lại đang xuất hiện ở những người trẻ. Nhiếp ảnh gia Linh Phạm, sáng lập viên của diễn đàn nhiếp ảnh Matca, cho biết: “Những dự án như thế nhiều, họ ngày càng loại bỏ các quan điểm như của hội và làm các dự án như thế nhiều. Khó khăn của nhiếp ảnh tư liệu một là sự công nhận, hai là đầu ra, ba là sự tiếp nhận và quan điểm về sự tiếp nhận, sử dụng những tác phẩm đó chưa rõ ràng tại Việt Nam”.

Ông Việt Văn cho biết đầu ra cho nhiếp ảnh tư liệu ở Việt Nam còn yếu do thị trường yếu, chưa rõ ràng. Trong khi đó, ông Linh Phạm cho rằng nhiều người vẫn muốn làm nhiếp ảnh tư liệu, bất chấp đầu ra kém. “Đón đầu là một chuyện, chúng tôi xác định thị trường của chúng tôi khác. Chúng tôi biết thị trường trong nước không thể nào tiêu thụ những thứ đó, thì chúng tôi xác định như là xuất khẩu nhãn, xuất khẩu vải thôi”, ông Linh Phạm nói.



Tham Khảo Thêm:  Danh ca Bob Dylan công bố buổi hòa nhạc trực tuyến 'Shadow Kingdom' | Văn hóa

Viết một bình luận