Tại Nhật Bản, chính phủ đang áp dụng một hướng tiếp cận kết hợp đối với các quy định về thuốc lá thế hệ mới.
Cụ thể, thuốc lá làm nóng được nhận định là một sản phẩm thuốc lá vì các thành phần của chúng được làm từ lá thuốc và được Bộ Tài chính kiểm soát. Theo số liệu thống kê, sản phẩm thuốc lá làm nóng tiêu thụ tại Nhật Bản chiếm khoảng 85% thị phần toàn cầu. Sau khi sản phẩm thuốc lá làm nóng được thương mại hóa năm 2016, chính phủ Nhật Bản đã tiến hành các nghiên cứu đánh giá về những ảnh hưởng của thuốc lá làm nóng lên sức khỏe cũng như những hệ lụy ngoại ý của sản phẩm đối với cộng đồng. Những số liệu này cũng đồng thời phần nào giải quyết quan ngại cho các nước khi đưa ra câu hỏi liệu có tỷ lệ hút kép hoặc có thu hút giới trẻ sử dụng hay không. Theo đó, khảo sát toàn quốc về Sức khỏe và Dinh dưỡng tại Nhật Bản năm 2018, chỉ 9% tỷ lệ sử dụng kép gồm cả thuốc lá làm nóng và thuốc lá điếu trong số những người đang hút thuốc lá (bao gồm thuốc lá làm nóng và thuốc lá điếu đốt cháy). Đồng thời dữ liệu do chính phủ Nhật Bản ủy quyền thu thập cho thấy mức độ sử dụng thuốc lá làm nóng trong bộ phận học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông dù có nhưng rất thấp chỉ bằng 1/5 so với tỷ lệ hút thuốc lá điếu đốt cháy, tức chỉ có 0,1%.
Nguồn: Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (https://www.mhlw.go.jp/stf/houdou_kouhou/kouhou_shuppan/magazine/201904_00015.html)
Bên cạnh đó, thay vì để người dân tiếp tục với thuốc lá điếu đốt cháy gây hại cho sức khỏe và cộng đồng, chính phủ Nhật Bản cũng đã có những chính sách linh hoạt hơn đối với thuốc lá làm nóng nhằm mục đích khuyến khích chuyển đổi. Các cảnh báo trên thuốc lá làm nóng chỉ nêu lên các tác động không thể phủ nhận của khí hơi (aerosol) từ sản phẩm này đối với sức khỏe thay vì liệt kê các bệnh lý do hút thuốc lá hoặc phơi nhiễm với thuốc lá như quy định đối với thuốc lá điếu. Lý giải cho điều này, khí hơi aerosol có trong thuốc lá làm nóng đã được Trung tâm Ung thư Quốc gia và Bộ Y tế, Phúc lợi và Lao động nhận định: “việc phơi nhiễm với khí hơi (aerosol) từ thuốc lá làm nóng trong một khu vực hút thuốc được chỉ định trong các điều kiện thông thường được ước tính là có thể chấp nhận được vì nguy cơ ung thư trọn đời dự kiến sẽ thấp hơn liều lượng gần như an toàn (VSD) là 1/100.000, thấp hơn ba bậc so với liều lượng đối với thuốc lá điếu đốt cháy hút trong cùng điều kiện”.
Đến nay, trong số 20 thành phố lớn, 16 thành phố đã miễn sản phẩm thuốc lá làm nóng khỏi các quy định hạn chế xoay quanh việc sử dụng ngoài trời, bởi thuốc lá làm nóng loại bỏ được quá trình đốt cháy. Nguy cơ gây cháy nổ ảnh hưởng tới những người xung quanh hầu như không có, cũng như ít tạo ra mùi hơn so với thuốc lá điếu đốt cháy. Bên cạnh đó, 9 trong số 23 phường của thành phố Tokyo cũng đã miễn thuốc lá làm nóng khỏi những quy định hạn chế đối với việc sử dụng thuốc lá ngoài trời.
Nhìn chung, việc quản lý thuốc lá thế hệ mới vẫn là vấn đề cân nhắc ở các quốc gia bởi sự khác biệt về dân số, hành vi tiêu dùng, kinh tế .
Được biết, đã có hai tổ chức quốc tế là Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận thuốc lá làm nóng là thuốc lá, đồng thời WCO cũng phân loại thuốc lá làm nóng theo mã “Sản phẩm thuốc lá khác”.
Tại Việt Nam, trong số các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới như shisha, thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử thì chỉ có thuốc lá làm nóng là có chứa thành phần nguyên liệu thuốc lá nên phù hợp với Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá được ban hành từ năm 2012, cùng Nghị định hướng dẫn thi hành vào năm 2013.
Kinh nghiệm thực tế của Nhật Bản và các khuyến cáo của quốc tế là cơ sở tham chiếu cho những quốc gia đang trong quá trình chuẩn bị đưa ra chính sách quản lý các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới như Việt Nam nhằm bảo vệ sức khỏe người dùng.