Đưa nhà hát lên mạng và truyền hình | Văn hóa

Làm chương trình online lẫn trực tiếp

Còn nhớ năm ngoái, khi dịch Covid-19 bùng phát, quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Quang Vinh khi đó đã tính đến phương án nhà hát trực tuyến. Ông Nguyễn Quang Vinh (nguyên quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn) cho hay: “Năm ngoái do dịch, chúng tôi làm sân khấu online, nghĩa là đến các đoàn có chương trình rồi làm truyền hình trực tiếp. Đặc biệt các chương trình của các hội diễn toàn quốc đều đưa lên mạng: chèo, tuồng, xiếc… Tất cả được đưa lên kênh YouTube của Cục Nghệ thuật biểu diễn”.
Năm nay, Cục Nghệ thuật biểu diễn tiếp tục tính đến chuyện hỗ trợ các nhà hát đưa chương trình biểu diễn lên mạng và truyền hình. Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Hướng Dương cho biết hiện Bộ VH-TT-DL đang xem xét lên chương trình tổng thể cho việc này. Sau đó, Bộ sẽ làm việc với các đài truyền hình rồi gửi công văn để kết hợp phát sóng. “Dự kiến sẽ phát chương trình của các nhà hát trên VTV, VOV và truyền hình Hải Phòng. Truyền hình Hải Phòng có chương trình nghệ thuật truyền hình hằng tháng. Giờ dịch họ không thể nào diễn được thì mình có ghi hình cho họ phát để họ thay vào chương trình của họ”, ông Dương nói. Cũng theo ông Dương, các nhà hát sẽ cùng thực hiện chương trình này. Dự kiến, mỗi đài truyền hình cũng sẽ hỗ trợ lên sóng trong các tháng 7, 8, 9. Ngay cả khi các nhà hát có thể biểu diễn trở lại, việc đưa chương trình lên sóng, lên mạng vẫn tiếp tục. Các nhà hát sẽ làm chương trình song song cả online lẫn diễn trực tiếp; trong đó diễn trực tiếp các chương trình mới, còn chương trình cũ hơn thì đưa online.
NSƯT Sĩ Tiến, Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, cho biết nhà hát cũng đã chuẩn bị cho việc này. Dự kiến Nhà hát Tuổi trẻ sẽ làm một chương trình cho thiếu nhi để ghi hình phát trên truyền hình. Sau khi lên truyền hình, vở diễn cũng sẽ được cắt thành nhiều phần để đưa lên mạng. “Chúng tôi có nhiều vở diễn, cả vở mới lẫn cũ. Chúng tôi chọn vở kịch Cuộc chiến vô cực. Đây là vở diễn có sức hút, cũng đã thử sức vài mùa mà vẫn thu hút. Những vở đã diễn vài ba mùa rồi thì có thể đưa lên mạng chiêu đãi khán giả”, ông Tiến nói.




Đưa nhà hát lên mạng và truyền hình1

Các hội diễn sân khấu được truyền hình trực tiếp và được trích ra đưa lên YouTube của Cục Nghệ thuật biểu diễn

Tiếp cận khán giả qua mạng xã hội

NSND Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, cũng cho hay đã sẵn sàng để đưa các vở diễn của liên đoàn lên truyền hình. “Chúng tôi không có vấn đề gì khi thực hiện chủ trương này, cũng không ngại là đưa lên truyền hình thì mất khán giả bán vé. Có khi đây còn là hình thức quảng cáo tốt cho xiếc”, ông Ánh nói. Ông cũng nhắc đến một đặc thù của xiếc, nếu quay tại trường quay hộp truyền hình sẽ chỉ được các tiết mục lẻ tẻ chứ khó làm chương trình lớn nên nếu truyền hình đến quay tại rạp xiếc thì hiệu quả sẽ tốt hơn. Mặc dù vậy, ông Ánh cho rằng đó không phải là giải pháp lâu dài cho biểu diễn. “Qua truyền hình hay đưa lên mạng thì chỉ là giải pháp tình thế thôi. Nghệ sĩ vẫn phải có khán giả thì mới thăng hoa, sự tương tác đó tốt hơn cho sáng tạo”, ông Ánh bộc bạch.

NSƯT Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, cho rằng việc đưa một phần vở diễn được biên tập thật hay lên truyền hình là điều rất tốt, không ảnh hưởng tới việc bán vé sau này. Nhà hát Kịch Việt Nam từng có trải nghiệm tích cực với chương trình Quán thanh xuân về kịch Lưu Quang Vũ. Ở đó, trích đoạn vở Bệnh sĩ đã đến được với nhiều khán giả truyền hình và đạt hiệu ứng tốt. Tuy nhiên, theo ông Bắc, đưa trọn vẹn một vở diễn lên truyền hình thì cần phải tính toán.

Nhà hát Kịch Việt Nam hiện đang có một dự án dùng mạng xã hội để tiếp cận khán giả. Đó là sản xuất các chương trình để đưa lên TikTok và YouTube. “Có hai nhóm trẻ được giao thực hiện hai nhóm chương trình này. Đây là chương trình giải trí đơn thuần để kết nối khán giả. Bởi giai đoạn này tổ chức sản xuất không được mà hoạt động thường xuyên của nhà hát lại không có nên khá gian nan”, NSƯT Xuân Bắc nói. Dự kiến tháng 7 tới, những chương trình đầu tiên của nhà hát sẽ “bung lụa” trên TikTok và YouTube. Ông Bắc cũng sẵn sàng dùng Facebook của chính mình để quảng bá cho nhà hát. “Nhà hát hiện làm việc với các đơn vị phân phối nội dung hàng đầu trên YouTube cũng như TikTok. Họ có hệ thống kênh tốt đã có đến hàng chục triệu lượt đăng ký và mình đưa chương trình của nhà hát lên đấy. Xác định tiếp cận khán giả online chưa bao giờ là muộn, và muộn còn hơn không”, ông Bắc chia sẻ.



Tham Khảo Thêm:  Giáo hội Phật giáo Quảng Ninh đề nghị Nhà nước không nên quản lý tiền công đức

Viết một bình luận