Albert Camus đã từng viết: “Một thế giới không có yêu thương là một thế giới chết”.
Ông cũng nói thêm: “Điều chúng ta học được trong thời dịch bệnh, là có nhiều điều ở con người đáng ngưỡng mộ hơn là khinh miệt”.
Ngay từ hồi chiến tranh, khi lần đầu tiên được tiếp xúc, được đọc tác phẩm của Albert Camus, tôi đã vô cùng yêu thích nhà văn được gọi là “hiện sinh” này. Tôi yêu Camus, vì ông là nhà văn nhân đạo hàng đầu thế giới, giữa một thời chiến tranh đau thương loạn lạc mà ông đã sống.
Những lời Camus viết về thế giới này “Một thế giới không có yêu thương là một thế giới chết”, có thể coi là lời kêu gọi khẩn thiết về một phẩm chất hàng đầu ở con người, đó là tình yêu thương. Ngay trong thời dịch bệnh, thế giới không có tình yêu thương là thế giới chết, quốc gia không có tình yêu thương là quốc gia chết, không chết vì dịch bệnh thì cũng chết vì muôn vàn tai ương khác.
Nếu bây giờ, người đọc Việt Nam đọc Dịch hạch (bản dịch mới tại Việt Nam năm 2020, NXB Dân Trí), tôi tin chắc, sẽ nhiều người kinh ngạc vì những nhân vật trong tiểu thuyết này của Camus, sự ứng xử khác nhau của họ trước tai họa khiến chúng ta cảm giác như Camus đang viết tiểu thuyết về chính thời đương đại, những năm 20 của thế kỷ 21.
Bác sĩ Rieux là nhân vật trung tâm của tiểu thuyết Dịch hạch. Bây giờ, người ta có thể gặp trên khắp thế giới những bác sĩ Rieux xả thân vì người bệnh như thế. Và ngay tại Việt Nam, hàng ngày vẫn xuất hiện rất nhiều những bác sĩ Rieux quả cảm và nhân ái. Những người ấy sẽ quần tụ quanh mình những người cùng chí hướng, những người đồng cảm, những người sẵn sàng sẻ chia. Đó chính là sự hiện diện của tình yêu thương, mà nếu không có nó, thế giới sẽ chết.
“Nếu không điên thì cũng mù, không mù thì cũng hèn nhát mới cam chịu buông tay trước dịch bệnh“. Đó là lời nói như dao chém đá của nhân vật chính. Nhân loại sẽ thoát khỏi Covid-19 nhờ những con người biết hy sinh như vậy.
Và đó cũng là điều chúng ta có thể học được từ hôm nay, từ cơn bão Covid-19 dữ dằn đang tàn phá thế giới.
Có những con người rất bình thường, những con người “nhỏ bé” đã đứng lên đối đầu dịch bệnh, và họ cho thấy con người đáng được ngưỡng mộ như thế nào, khi biết xả thân vì đồng bào của mình.
Bây giờ, ngay trong thời dịch bệnh này, càng nhận rõ giá trị nhân văn lớn lao của những tác phẩm Albert Camus. Ngày chiến tranh ở chiến trường Nam Bộ, tôi đã được đọc Nhật ký (Carnets) của Camus, một tác phẩm kỳ lạ, và tôi đắm chìm trong những suy tưởng và cảm xúc của ông. Một nhà văn trung thực đến tận cùng như thế, thì tác phẩm của ông làm sao không thu phục được người đọc trên toàn thế giới?