Trở lại màn ảnh nhỏ sau 16 năm, NSƯT Võ Hoài Nam đã chứng tỏ “gừng càng già càng cay”. Những phân đoạn xuất hiện của ông Sinh, một người cha sau hơn 20 năm ở tù đi tìm con gái trong bộ phim Hương vị tình thân, do anh đảm nhận khiến người xem xúc động.
Lúc đầu, không ít khán giả thấy “hẫng” khi “soái ca” của loạt phim Cảnh sát hình sự cách đây 16 năm đầu đã hói, khuôn mặt đầy những nếp nhăn, nhìn trông khắc khổ. Tuy nhiên, càng về sau, khán giả lại thấy anh thật “đẹp” trong vai diễn của mình.
|
Võ Hoài Nam cho hay, anh luôn từ chối trang điểm khi lên hình. Đó là thói quen từ trước đến nay của nam diễn viên. Hỏi anh có ngại sợ mất hình tượng “soái ca” trong mắt khán giả, Võ Hoài Nam cười, nói: “Hình ảnh soái ca nằm trong cái tiều tụy ấy. Bởi càng soái ca thì mới càng dằn vặt, càng đau đớn, và nhờ thế mới làm ra được vẻ tiều tụy như vậy, còn không thì sự lột tả rất nhạt nhẽo”.
|
Một nghệ sĩ “lão làng” cũng vừa trở lại trong bộ phim Hương vị tình thân là Tú Oanh. Chị vào vai bà Bích, một người đàn bà đanh đá, tham lam, ích kỷ, nhưng không có dã tâm.
Vào vai bà Bích, nghệ sĩ Tú Oanh gần như không đánh son. Chị đi mượn bạn bè những bộ đồ cũ, có phần lòe loẹt để phù hợp với tạo hình nhân vật là một người đàn bà đồng bóng, nông cạn. Bà Bích cũng là dân lao động nên khó có thể chải chuốt. Nữ nghệ sĩ không ngại xấu khi lên hình mà chỉ muốn đưa đến hình ảnh nhân vật chân thực, thuyết phục tới khán giả.
Còn nhớ, NSND Công Lý trong lần chia sẻ về vai diễn ông Vụ trong phim Hướng dương ngược nắng không phủ nhận: “Trong 30 năm làm nghề diễn viên, đây là lần hiếm hoi tôi được mặc đồ đẹp đóng phim”.
|
Trong phim, ông Vụ là thành viên Hội đồng quản trị của Tập đoàn Cao Dược, chính bởi vậy, trang phục của diễn viên cũng phải thể hiện được công việc của nhân vật. “Tôi hy vọng hình tượng nhân vật mình đảm nhận sẽ giúp khán giả thấy một Công Lý biết mặc đồ hiệu”, nam diễn viên cười, nói.
Ở hầu hết những bộ phim tham gia trước, Công Lý thường vào vai nông dân, đồ tể… Bởi vậy, khi lên phim nam diễn viên buộc phải làm mình “xấu” đi với những bộ trang phục đơn giản, thậm chí xuềnh xoàng. Tuy nhiên, NSND Công Lý chia sẻ, anh thấy mình thích hợp với những dạng vai phải mặc quần áo “không được đẹp” như vậy.
|
Đạo diễn Lưu Trọng Ninh từng yêu cầu nhiều diễn viên tham gia phim của anh phải “xấu” đi để phù hợp với tạo hình nhân vật. Chẳng hạn như với bộ phim Cát đỏ xoay quanh số phận của 3 người phụ nữ sống ở cồn cát quanh năm nắng cháy, anh đã yêu cầu những diễn viên tham gia không được đội nón, mũ, bôi kem chống nắng mà phải phơi da cho da sạm đen đi. Bởi đó mới là nước da của người sống ở vùng cồn cát nắng cháy.
NSƯT Ngọc Hiệp là một trong nữ diễn viên chịu “biến hình” nhất khi tham gia phim truyền hình lẫn điện ảnh. Nhiều khán giả vẫn nhớ vai diễn Huyền Diệu của chị trong bộ phim Cô gái xấu xí với sự thay đổi “ngoạn mục” ở mặt hình ảnh. Để vào vai diễn này, Ngọc Hiệp đã phải “hy sinh” từ việc đeo hàm răng giả trong khoảng thời gian dài quay phim, cho đến việc tạo hình với mái tóc chẻ, đeo chiếc kính to đùng, ăn mặc tuềnh toàng.
|
Khi tham gia vào bộ phim Đảo của dân ngụ cư, vào vai người phụ nữ chịu đựng, có ngoại hình gày gò, Ngọc Hiệp đã tự ép mình từ 49 kg xuống còn 42 kg. Thậm chí, chị còn lấy đồ quấn cho ngực mình lép lại, để dáng người thêm lòng khòng.
Không thể không nhắc đến NSƯT Đức Lưu với vai diễn Thị Nở trong bộ phim Làng vũ đại ngày ấy. Bộ phim công chiếu vào năm 1982, đã gây ấn tượng mạnh với công chúng, đặc biệt là hai vai diễn Thị Nở của NSƯT Đức Lưu và Chí Phèo của NSƯT Bùi Cường.
Nhắc lại kỷ niệm làm phim hồi ấy, nghệ sĩ vẫn nhớ suốt cả năm trời bà phải đeo hàm răng giả, nhét hai cục bông vào hai bên má, mỗi lần bỏ ra là đau nhức khắp mặt. Bù lại, nhà hóa trang Nhữ Đình Nguyên đã biến hóa bà thành cô Thị Nở xấu xí đến nỗi chồng bà còn không nhận ra vợ.