Dị tật không âm đạo, làm sao nhận biết? | Sức khỏe

Dị tật kín

Các bác sĩ (BS) khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ – hàm mặt (Bệnh viện E, Hà Nội) mới đây tiếp nhận nữ bệnh nhân (BN) 56 tuổi đến điều trị sau nhiều năm không thể làm vợ, làm mẹ.
Năm 15 tuổi, BN đã được gia đình đưa đi khám do không có kinh nguyệt, nhưng khi đó không được giải thích về tình trạng dị tật bẩm sinh không âm đạo. BN kết hôn năm 23 tuổi, nhưng sau đó chia tay chồng do không thể làm vợ.

Tại Bệnh viện E mới đây, qua thăm khám, BN được chẩn đoán mắc hội chứng bất sản ống Muller (còn gọi là hội chứng Mayer-Rokitansky-Küster-Hauser). Đây là dị tật không có âm đạo bẩm sinh, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống tình dục và khả năng mang thai.

Theo ThS-BS Nguyễn Đình Minh, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ – hàm mặt, kết quả siêu âm và chụp MRI cho thấy ống âm đạo là dải xơ chỉ 1,5 cm (trong khi chiều dài trung bình khoảng 8 – 10 cm). Ngoài ra, BN không có tử cung. Xét nghiệm các chỉ số hormone, nội tiết thiếu hụt do thiểu sản buồng trứng. “Kết quả xét nghiệm nhiễm sắc thể đồ là 46XX, xác định BN giới tính nữ. Do đó, BN được chỉ định phẫu thuật tạo hình âm đạo”, BS Minh thông tin.

Tạo hình, đảm bảo chức năng

Theo các BS điều trị, âm đạo của BN được tạo hình bằng niêm mạc môi bé. Đây là phương pháp đạt được nhiều mục đích vừa tạo hình âm đạo, vừa làm đẹp vùng tầng sinh môn cho người bệnh. Các BS đã tạo khoang âm đạo mới, nằm giữa trực tràng và bàng quang của BN. Ca phẫu thuật kéo dài hơn 1 giờ với 3 ê kíp: thực hiện lấy niêm mạc từ môi bé của bộ phận sinh dục ngoài và tạo hình trên một khuôn nong; tạo khoang âm đạo và nội soi ổ bụng; kiểm soát vùng tiểu khung trực tràng, bàng quang.

Đặc biệt, BS Minh cho biết để tạo khoang âm đạo có độ dài từ 8 – 10 cm và rộng khoảng 3 – 4 cm, các BS phải tạo hình các mảnh ghép niêm mạc được lấy từ môi bé của cơ quan sinh dục ngoài của BN này. Sau đó, những mảnh ghép được xử lý làm mỏng, phủ kín lên khuôn nong và cố định lại vào khoang âm đạo vừa được tạo hình. Lớp niêm mạc từ môi bé có ưu điểm đảm bảo yếu tố sinh lý, rất gần cấu tạo của niêm mạc âm đạo. Vì vậy, thành âm đạo sau tạo hình mềm mại, tạo tính đàn hồi khi quan hệ tình dục.
BS Minh đánh giá: “Khó khăn của ca phẫu thuật này chính là việc bóc tách khoang âm đạo mới phải vô cùng tỉ mỉ để không làm rách trực tràng, bàng quang, không tổn thương các mạch máu. Mảnh ghép niêm mạc môi bé được ê kíp còn lại thực hiện, xử lý đúng kỹ thuật và phải cố định tạo hình tốt để đảm bảo “sự sống” ở nơi nhận, không bị hoại tử”. Khuôn nong âm đạo được làm bằng vật liệu silicon y học, đảm bảo về chất lượng và an toàn cho sức khỏe. Chất liệu silicon có thể tiệt trùng ở nhiệt độ thấp và đảm bảo độ cứng chắc, đồng thời vẫn có tính đàn hồi thích hợp cho niêm mạc ghép bám tốt nhất vào ống đường hầm âm đạo đã được tạo ra… BN cần sử dụng ống nong trong vòng 3 – 6 tháng để giúp phần âm đạo tạo hình có được kích thước phù hợp với cơ thể.
Theo y văn thế giới, BN mắc hội chứng Mayer-Rokitansky-Küster-Hauser khiến âm đạo, tử cung không phát triển, mặc dù vẫn có 2 buồng trứng, hormone giới tính trong giới hạn bình thường, các bộ phận khác trên cơ thể phát triển bình thường. Để có đời sống tình dục bình thường, nữ giới mắc dị tật này cần được phẫu thuật tạo hình âm đạo. Để tạo hình âm đạo, BN cần qua tuổi 18.

“Mọi bất thường ở cơ quan sinh sản cần được khám và điều trị kịp thời. Vì thế, những phụ nữ có các dấu hiệu bất thường như: đến tuổi dậy thì nhưng không có kinh nguyệt, không quan hệ vợ chồng được… đều phải thăm khám sớm. Hầu hết các dị tật “vùng kín”, trong đó có dị tật không âm đạo, đều có thể phát hiện bằng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh”, BS Minh lưu ý.

Tham Khảo Thêm:  Phong tỏa BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM trong 1 tuần



Viết một bình luận