Di sản văn hóa phi vật thể Việt ‘hòa mạng’ | Văn hóa

PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia (VICAS), cho biết viện đã tham gia dự án xây dựng nền tảng chia sẻ thông tin về di sản văn hóa phi vật thể khu vực châu Á – Thái Bình Dương mang tên ichlinks. Dự án sẽ giúp kết nối và chia sẻ dữ liệu, nội dung về di sản văn hóa phi vật thể với các quốc gia thành viên ở khu vực tại địa chỉ https://www.ichlinks.com.

“Ichlinks lưu trữ hơn 1.000 dữ liệu, nội dung và thông tin về di sản phi vật thể của các nước thành viên trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương; cả hình ảnh, video, âm thanh, văn bản về các di sản, các tính năng tìm kiếm, trình duyệt và quản lý thông tin nâng cao”, PGS-TS Sơn cho biết.

Theo PGS-TS Bùi Hoài Sơn, ichlinks do Cục Di sản văn hóa Hàn Quốc và Trung tâm Mạng lưới và thông tin quốc tế về di sản văn hóa phi vật thể vùng châu Á – Thái Bình Dương (ICHCAP) thiết lập, UNESCO bảo trợ. Nhóm các nước đối tác tham gia đầu tiên bao gồm: Malaysia, Mông Cổ, Việt Nam (VICAS đại diện), Uzbekistan và Kazakhstan.




Những hình ảnh về di sản văn hóa phi vật thể lễ cấp sắc của người Dao đỏ trên trang ichlinks Ảnh: Chụp màn hình

Những hình ảnh về di sản văn hóa phi vật thể lễ cấp sắc của người Dao đỏ trên trang ichlinks

TS Vũ Diệu Trung, Phó giám đốc Trung tâm dữ liệu di sản văn hóa (thuộc VICAS), cho biết có nhiều thông tin di sản Việt Nam đã “hòa mạng” vào ichlinks. “ICHCAP hỗ trợ chúng tôi làm 10 phim nhân học về di sản phi vật thể, giờ đây cả 10 phim đã lên mạng. Bên cạnh đó, có 7 phim về các di sản văn hóa đã được UNESCO ghi danh. Chưa kể ichlinks cũng lấy thêm dữ liệu từ các nguồn như Hội Di sản văn hóa, các kho tư liệu khác. Có khoảng 270 tư liệu di sản dạng ảnh như vậy và chúng tôi cũng tham gia hiệu đính”, bà Trung nói.

Tham gia ichlinks, Việt Nam có cơ hội quảng bá hình ảnh di sản ra thế giới. “Bản thân ICHCAP là đơn vị cấp 2 của UNESCO, được UNESCO cấp vốn để giúp các quốc gia thành viên xây dựng nền tảng số chung về di sản văn hóa phi vật thể và quảng bá hình ảnh di sản văn hóa phi vật thể của thành viên đó ra nước ngoài. Khi tham gia vào đó sẽ có quyền quảng bá hình ảnh di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam ra nước ngoài. Đấy là cái lợi nhất”, bà Trung cho biết thêm.
Tham gia ichlinks còn có lợi ích nữa là cơ hội số hóa hệ thống các thông tin di sản trong nước. Từ năm 1997 đến hết 2020, Bộ VH-TT-DL có chương trình mục tiêu là bảo tồn văn hóa các dân tộc Việt Nam. Theo đó, Bộ sẽ cấp về 1 – 2 chương trình bảo tồn di sản văn hóa cho mỗi tỉnh. VICAS là đơn vị đầu mối tiếp nhận băng hình lưu trữ của chương trình mục tiêu này và đồng hành thực hiện hơn 20 năm qua. “Viện có một lượng lưu trữ của gần 1.000 di sản văn hóa như thế, trong đó có rất nhiều băng, phim, video… Với dự án này, ichlinks sẽ cùng chúng ta số hóa. Họ đã cung cấp cho thiết bị liên quan đến lĩnh vực số hóa cho VICAS để có thể số hóa hệ thống băng đĩa”, TS Trung nói.
Không chỉ dựng lại các tư liệu cũ, hay các tư liệu của các di sản đã được công nhận, ichlinks còn giúp “giải cứu” các di sản mới chưa được bảo tồn, hoặc bảo tồn chưa đến nơi đến chốn. “Sau khi bà Hà Thị Cầu, nghệ nhân cuối cùng của nghệ thuật xẩm qua đời, tưởng như nghệ thuật đó đã thất truyền. Thế nhưng không phải như thế. Hiện nay, chúng ta thấy trên bình diện chung ở Hải Phòng có các CLB hát xẩm và ở một số nơi khác cũng có. Ichlinks có thể hỗ trợ chúng tôi thực hiện các nghiên cứu mới và hỗ trợ cộng đồng để phát triển lại di sản này”, TS Trung nói.



Tham Khảo Thêm:  Nghệ sĩ Lê Cung Bắc vừa qua đời sớm nay, hưởng thọ 76 tuổi

Viết một bình luận