Đến với bà con ‘trụ lại Sài Gòn’

Đến với bà con trụ lại Sài Gòn - Ảnh 1.

Những người mẹ trẻ gửi hình ảnh cảm ơn nhóm “Trụ lại Sài Gòn” khi nhận được đồ tiếp tế – Ảnh: T.N.T.

Trước đó, nhà giáo Nguyễn Tấn Đức, chủ nhiệm CLB “Về với quê mình”, gọi: “Anh ơi, mình làm cái gì đi anh, bà con kẹt lại khốn khó quá…”. Rồi thầy gọi nhà văn Trần Nhã Thụy, gọi một số thành viên CLB: một nhóm Zalo được thành lập với 12 thành viên, bàn bạc mục tiêu, phương cách vận động.

Dồn dập nhận và trao

10 ngày qua, Thùy Trang, thành viên của nhóm “Trụ lại Sài Gòn” và hai bạn tình nguyện viên khác – nhà báo Phương Huyền và Thu Hằng, đã điều phối trao gần 1.000 suất quà cho bà con tá túc trong các khu nhà trọ ở những con hẻm sâu tại phường Tân Thới Nhất, quận 12, rồi qua Tân Phú, Hóc Môn, về Tân Bình, Bình Thạnh, Gò Vấp.

Đi trao quà cho bà con ở xóm trọ trong con hẻm đường Huỳnh Văn Nghệ (Q.Gò Vấp) về, Thùy Trang gọi báo tình hình rồi kể: Có chú kia chạy xe ôm tạt ngang chỗ tụi em. Thấy đang trao quà, chú dựng xe rụt rè đứng nhìn. 

Em hỏi chú nhận quà hả, chú lắc đầu nói “không, chú ở hẻm bên kia, thấy phát gạo…”. Rồi chú năn nỉ: “Vợ chú bệnh quá ở nhà, còn hai đứa cháu ngoại…, chú xin túi gạo ăn đỡ được không cháu?”. 

Tham Khảo Thêm:  Justin Bieber tham gia sản xuất phim tài liệu về chính mình | Văn hóa

Lúc đó tự nhiên tay chân em run lên, nước mắt chảy ròng mà em không biết mình khóc. Em gởi chú 5kg gạo và đặt vào tay chú 500.000 đồng. Chú cúi gập người xuống bày tỏ lòng biết ơn mà lòng em nghe đau như cắt.

Có lẽ không riêng gì Trang, ai đến nhiều khu nhà trọ của bà con xa quê trong mùa dịch này, chắc sẽ có bao nhiêu điều để rơi nước mắt…

Nhóm điều phối của Trang đã kết nối được với các đội vận chuyển như Đội hỗ trợ và tiếp viện COVID PNF (Pickup anh Friend), Nhóm bạn doanh nghiệp vừa và nhỏ và kết nối với các tình nguyện viên tại các địa phương nhóm đến trao quà. 

Cả tuần, nhóm và các đội vận chuyển dường như không ngừng nghỉ: vừa chạy đầu này nhận gạo, nhận mì, chạy đầu kia nhận nước tương, trứng, cá hộp… của các nhà hảo tâm, rồi huy động đóng gói, chia quà; vừa kết nối tìm kiếm những nơi ở tập trung của bà con miền Trung, đa phần là bà con Quảng Ngãi.

Tài khoản, điện thoại của Thanh Trâm, thủ quỹ của nhóm, lúc nào cũng “cháy”: tiền đến và tiền gởi đi. Tính đến nay, Trâm đã nhận 122 lần tiền đến và chuyển 430 lần hỗ trợ cho bà con không trực tiếp nhận quà được. 

Tiền hỗ trợ đến nhiều, Trâm cười báo tin vui mà giọng đầy nước mắt. Và điện thoại, tin nhắn của bà con gởi đến trình bày hoàn cảnh để xin hỗ trợ. Đọc, Trâm lại khóc. Trâm nói: “Tin nhắn nhiều quá anh ơi, cái nào đọc em cũng không cầm lòng được”…

Tham Khảo Thêm:  'Aquaman 2' và 'John Wick 4' khởi quay, hé lộ nhiều chi tiết thú vị | Văn hóa

Hết dịch, cháu đúc bánh xèo…

May quá, chương trình “Trụ lại Sài Gòn” vừa ra đời thì tức khắc đón nhận nhiều tấm lòng, trước hết là của những người miền Trung, đồng hương, rồi nhiều bạn bè khác cùng chung tay, vận động thêm người thân, bạn bè. Có lẽ trong lòng ai cũng thương cảm những phận đời xa quê kiếm sống đang lâm vào cảnh tình khốn khổ nên khi có cơ hội là sẵn lòng sẻ chia.

Dịch bệnh rồi sẽ đi qua. “Trụ lại Sài Gòn” rồi sẽ kết thúc. Nhưng có một điều sẽ luôn đọng lại trong lòng anh em thực hiện chương trình: đó là sự chân chất, hồn hậu, ơn tình của người dân quê nghèo miền Trung. Không biết bao nhiêu điện thoại, tin nhắn gởi đến các anh chị em trong nhóm để bày tỏ lòng biết ơn.

Như Phạm Quang Hiền (Quảng Ngãi), trọ ở ấp Tiền Lân, Bà Điểm, Hóc Môn, báo có 10 người đang kẹt ở nhà trọ, quá khốn đốn. Chương trình gởi đến giúp 5 triệu đồng. Sau khi dò hỏi, nhóm mới biết khu xóm trọ của Hiền có đến trên 20 người. Hỏi, Hiền giải thích: “Dạ, em chỉ dám báo 10 người thôi, sợ nhiều quá không xin được. Nhận được tiền mừng quá, em chia đủ cho bà con người hai ba trăm…”.

Buổi chiều lại có điện thoại của cô gái ở khu xóm ấy, nói giọng Phú Yên, gọi cho Thanh Trâm: “Con ở cùng khu trọ với anh Hiền, ảnh đưa con 200.000 đồng, nói của các cô chú gởi cho, mừng quá, con nạp ngay 20.000 đồng vào điện thoại để gọi cảm ơn các cô chú”.

Tham Khảo Thêm:  'Mine' và dấu ấn từ những phụ nữ dám phá vỡ định kiến | Văn hóa

Như Phạm Thị Thanh Xô, trọ ở hẻm đường Tô Ngọc Vân, Thanh Xuân, Q.12, bán bánh xèo bên lề đường, nuôi mẹ và hai con nhỏ. Khi nhận được gói quà trị giá 400.000 đồng, vậy mà Xô ôm chặt, khóc. 

Khi chúng tôi gọi hỏi chuyện, Xô cứ lặp đi lặp lại “đỡ lắm, cái tình nó lớn lắm chú ơi”. Cuối cùng, thật bất ngờ, Xô hỏi “nhà chú ở đâu vậy chú, cho cháu cái địa chỉ đi”. “Chi vậy cháu?”. “Dạ, hết dịch, cháu đúc mớ bánh xèo mang lên gởi các cô chú…”.

Ngay chiều 23-8, nhóm tổ chức nhận tin: có trên 100 nhà trọ ở Phú Thọ Hòa, Q.Tân Phú, nơi tá túc của bà con lượm ve chai, bán đậu hủ, vé số, trứng cút…, đang kêu cứu.

Tức tốc, Hằng lấy 100 cái bao thư, ứng 50 triệu đồng và nhờ mẹ cùng bỏ vào. Mỗi bao thư Hằng đều ghi: “Kính trao tặng bà con khó khăn ở hẻm 62 đường Phú Thọ Hòa”. Anh công an khu vực và chị tổ trưởng đã nhận những xấp bao thư và về trao tận tay bà con.

Sáng 24-8, “Trụ lại Sài Gòn” đã vội vã chuyển 25 triệu đồng đến nhiều tài khoản để trao cho những anh thợ hồ, những chị bán xe đẩy, những cụ già bán vé số… ở nhiều nơi kêu cứu. Và khi chúng tôi đang viết những dòng này, nhóm vẫn đang chuyển khoản tiếp cho 112 người ở các khu xóm và các sinh viên.

Viết một bình luận