Đây không phải lần đầu Đặng Hoàng Giang viết về những người đang mang trong mình một bệnh lý. Nhưng nếu như các bệnh nhân ung thư ở tác phẩm Điểm đến của cuộc đời được thấu hiểu và sẻ chia; thì ở Đại dương đen, phần lớn bệnh nhân trầm cảm nằm bên lề hệ thống y tế, bị chính gia đình khước từ.
Những bệnh nhân không được thừa nhận
Lời kể của các nhân vật trong mười hai câu chuyện phần đầu cuốn sách – những bệnh nhân trầm cảm và người thân bệnh nhân – đã phơi bày những định kiến đang bao trùm lên căn bệnh.
Một cơ thể bị rút kiệt niềm vui, những cơn đau vô hình, sự giận dữ khó kiểm soát, một hành vi tự hoại bản thân… đã không được xem như triệu chứng của một căn bệnh. “Làm trò”, “điên khùng”, “lười biếng”, “kém cỏi”…, bệnh nhân trầm cảm nhận phải không ít lời phán xét, phàn nàn.
Rất ít nhân vật trong cuốn sách có may mắn được tiếp cận phương pháp điều trị phù hợp và kịp thời, được người thân đồng hành và nâng đỡ qua những cơn đau. Phần lớn họ đều phải một mình, từng ngày, vật lộn với sự mục ruỗng từ thể xác đến tinh thần; hoặc lê lết giành lại cuộc sống, bằng chút sức lực mỏng manh còn sót lại.
Sự đa dạng của các chân dung cùng vô vàn trải nghiệm từ nhiều đời sống khác nhau trong các câu chuyện như một minh chứng về độ phổ biến của căn bệnh, và rằng trầm cảm không phải là một từ nói vui hợp thời, rằng căn bệnh mang khuôn hình khác nhau ở mỗi người, rằng bệnh nhân trầm cảm có thể là bất cứ ai, không phụ thuộc giới tính, tuổi tác, thu nhập, nghề nghiệp, học vấn.
Đó có thể là người mẹ mất con, người có tuổi thơ thiếu thốn tình thương, người có quá khứ bị xâm hại tình dục, phụ nữ sau sinh, nam trung niên, người già, người trẻ, người có điều kiện kinh tế, người chật vật trang trải cuộc sống,…
Phẩm giá của người bệnh
Đại dương đen vẽ nên thế giới của trầm cảm một cách chân thật và toàn diện. Không dừng lại ở sự giãi bày đơn lẻ ở mỗi cá nhân, Đặng Hoàng Giang đã chỉ ra những căn nguyên có tính hệ thống của vấn đề. Bức màn định kiến đang phủ lên căn bệnh, “không chỉ là một vấn đề của y học và tâm lý học, nó là một vấn đề của đạo đức và công lý”.
Mười hai câu chuyện không chỉ là tự sự của bệnh nhân trầm cảm, phía sau đó là một mong mỏi lớn lao hơn nữa về lẽ công bằng và phẩm giá của người bệnh.
Cuốn sách như lời nhắc nhở chúng ta rằng, trầm cảm là một căn bệnh, và người mắc trầm cảm trước hết là một con người với quyền được sống, được ngủ, làm việc, vui vẻ và yêu thương.
Có lẽ cách tốt nhất để tháo gỡ những ánh nhìn méo mó, là cộng đồng cần phải hiểu đúng về căn bệnh. Ở phần hai của cuốn sách, Đặng Hoàng Giang đã cung cấp những kiến thức căn bản về trầm cảm.
Bằng lối diễn đạt súc tích, dễ hiểu, tác giả kỳ công hệ thống lại toàn cảnh lịch sử, nguồn gốc, hình hài của căn bệnh, bóc tách các phương thức trị liệu, mổ xẻ những lỗi mà người bệnh và người thân, người trị liệu cần tránh. Nền tảng đó không chỉ giúp người ngoài cuộc hiểu chuẩn xác hơn về trầm cảm, mà còn giúp chính bệnh nhân có thể đối diện được với căn bệnh mình đang mắc phải.
Dự án Đường dây nóng Ngày Mai tham vấn tâm lý cho người trầm cảm
Đại dương đen không phải là điểm kết duy nhất trong hành trình kéo dài hai năm với người trầm cảm của Đặng Hoàng Giang. Trước khi cuốn sách được xuất bản, tác giả đã cùng một chuyên gia tâm lý khởi xướng dự án Đường dây nóng Ngày Mai (hotline: 0944824610 và fanpage: Đường dây nóng Ngày Mai) – một dịch vụ miễn phí, cung cấp thông tin về sức khỏe tinh thần và tham vấn tâm lý trực tiếp qua điện thoại cho người trẻ trầm cảm và người thân của họ.
Trong thời điểm đời sống bị đảo lộn bởi đại dịch COVID-19 như những ngày này, những đóng góp của tác giả vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tinh thần càng thêm ý nghĩa.