Nói về những nhân duyên “định mệnh” giữa chúa Nguyễn Ánh với Giám mục Bá Đa Lộc, tác phẩm mới Xã hội Việt Nam thời Lê – Nguyễn của tác giả Lê Nguyễn, (do Dtbooks và NXB Hồng Đức vừa ấn hành) kể lại: “Tháng 7.1774, Giám mục Bá Đa Lộc rời Pondichéry, thuộc địa Pháp tại Ấn Độ, cùng 4 giáo sĩ châu Âu và 9 chủng sinh đi Macao. Tại đây, ông ta cho in một sách về giáo lý Cơ Đốc giáo bằng chữ Quốc ngữ. Những năm 1775 – 1776, ông ta đến sinh sống khi thì ở Hà Tiên, khi thì ở Phnom Penh (Chân Lạp) và gặp gỡ chúa Định vương Nguyễn Phúc Thuần lần đầu, rồi sát cánh cùng người còn sót lại của dòng chúa Nguyễn là Nguyễn Ánh”.
|
Cũng theo tác giả Lê Nguyễn: “Trong thời gian 10 năm, từ 1789 đến 1799, ngoài mấy năm đầu có sự bất đồng giữa chúa Nguyễn và Giám mục Bá Đa Lộc, còn từ năm 1793 trở đi, với phần lớn thời gian sống cạnh Hoàng Thái tử Cảnh trong cương vị trấn thủ thành Sài Gòn và thành Diên Khánh, Bá Đa Lộc cũng không chứng tỏ được gì khi sát cạnh vị Đông cung Thái tử đã có những đại thần bậc nhất của chúa như Đông cung Phụ đạo Ngô Tùng Châu, Đông cung Thị giảng Trịnh Hoài Đức và Lê Quang Định. Sự kình chống khá công khai và gay gắt của đa số cận thần của chúa Nguyễn đối với Bá Đa Lộc từ năm 1795 trở đi đã gần như vô hiệu hóa mọi toan tính và những việc cần làm của vị giám mục này”.
Được biết, trong mối quan hệ với Giám mục Bá Đa Lộc và các sĩ quan, chuyên viên Pháp theo giúp mình, theo nhiều tài liệu của tác giả Lê Nguyễn thì chúa Nguyễn Ánh luôn có thái độ vừa phải, sống có tình nghĩa với họ nhưng cũng luôn biết chứng tỏ là một người suy nghĩ, hành động độc lập và cương quyết, không ai dễ dàng khuất phục ý chí của mình. Chúa Nguyễn Ánh luôn biết tận dụng năng lực của các cộng sự, song ông không hề giao cho họ một vai trò quyết định nào. Kinh nghiệm những tháng năm lăn lộn trên ranh giới giữa cái sống và cái chết từ khi còn là một cậu thiếu niên 15 tuổi đã tập cho Chúa một thói quen luôn phấn đấu vượt qua nghịch cảnh.
Đích thân chúa Nguyễn Ánh từ Qui Nhơn vào Sài Gòn chủ trì lễ tang Giám mục Bá Đa Lộc
Trở lại đám tang rầm rộ của Giám mục Bá Đa Lộc, ngày 16.12.1799, chúa Nguyễn Ánh mới từ Qui Nhơn vào đến Sài Gòn để tự mình chủ trì lễ tang. Đó cũng là ngày an táng vị Giám mục. Sách đã dẫn kể chi tiết: “Đã có ít nhất 40 ngàn người, cả lương lẫn giáo, xếp hàng theo sau đoàn người đưa tang. Chúa Nguyễn Ánh cùng quan lại các cấp, bà Quốc mẫu, chị của chúa, bà chánh phi và các bà phi của chúa, các con của chúa… cùng tham dự tang lễ, cùng đi đến nơi an táng Bá Đa Lộc nằm cách trung tâm Sài Gòn 5 cây số. Đám tang khởi hành lúc trời còn tối mịt, người ta thắp sáng 200 chiếc đèn lồng kiểu dáng khác nhau, hợp cùng ánh đuốc và đèn nến soi sáng cả một vùng trời”.
|
Đặc biệt, ở phần cuối của chương trình tang lễ, chúa Nguyễn Ánh đích thân đọc một bài điếu văn dài ca ngợi công lao của Giám mục Bá Đa Lộc. Trong thư của giáo sĩ Lelabousse gửi về Chủng viện Hội truyền giáo hải ngoại Paris ngày 24.4.1800 cho biết thêm: “Sau khi bài điếu văn được đọc xong, nước mắt ràn rụa trên gương mặt của chúa. Buổi lễ cúng người đã khuất được chuẩn bị với bò, heo, dê, rượu vang, nhiều đến nổi các giáo sĩ tham dự cũng phải ngạc nhiên, song họ biết rằng chúa Nguyễn Ánh phải làm thế cho xứng với người đã từng nhiều năm gian khổ vì ông”.
Còn về phần Hoàng tử Cảnh, trong tuần cúng tế tiếp theo, Đông cung Cảnh cũng có một bài văn tế thầy học khá thống thiết, sau được tờ Nam Phong Tạp Chí in trên một số báo năm 1917 tiết lộ rằng: “Giữa mùa Thu năm Canh Thân 1800, người ta dựng lên tại mộ phần Bá Đa Lộc một văn bia ghi tóm lược công lao đóng góp của ông trong hơn 20 năm. Hàng trăm năm sau đó, ngôi mộ của giám mục nằm trong một khu vực u tịch, được người dân đương thời gọi là Lăng Cha Cả. Nhiều năm sau, người ta chôn tiếp trong ngôi nhà mồ tráng lệ này các giáo sĩ đã từng theo giám mục nhiều năm”.
|
Một diễn biến khác: Ngày 2.3.1983, với sự chứng kiến của đại diện lãnh sự quán Pháp tại TP.HCM, việc bốc mộ Bá Đa Lộc đã được tiến hành và hài cốt của Giám mục đã được trịnh trọng mang về Pháp. Vị trí yên nghỉ của ông ngày xưa nay trở thành vòng xoay Lăng Cha Cả, giao nhau của các con đường Hoàng Văn Thụ, Lê Văn Sỹ, Trường Sơn và Cộng Hòa thuộc Q.Tân Bình (TP.HCM).