Ban đầu chỉ định tìm hiểu viết về quán cơm thiện nguyện 2.000 đồng nhưng qua chuyện trò cùng anh – người luôn có khát khao mãnh liệt cưu mang những mảnh đời bất hạnh, đã khiến tôi thật sự cảm động…
Chàng trai chạy xe ôm giàu lòng trắc ẩn
Sinh ra trong một gia đình khó khăn với 5 anh em, Phan Hùng Sơn lại là con đầu nên anh đã quyết định nghỉ học giữa chừng để đi làm phụ giúp thêm bố mẹ nuôi các em ăn học. Công việc chính của anh hàng ngày là chạy xe ôm. Nhưng mỗi công việc ấy cũng không đủ tiền xoay trở cho cuộc sống ở thành phố vốn mọi thứ đều đắt đỏ nên đến năm 2009, anh xin làm thêm nghề bốc vác ở cổng sau chợ Vinh (Nghệ An). Từ đấy, cuộc sống của anh mới đỡ khó khăn hơn.
Anh kể chính trong những lần chở bệnh nhân đến bệnh viện, anh mới cảm nhận được trong cuộc sống còn có nhiều mảnh đời khó khăn, bất hạnh hơn mình rất nhiều. Có lần anh chở một người bệnh đã cao tuổi từ bến xe Vinh đến Bệnh viện Ba Lan. Trên đường đi anh hỏi, sao không có người nhà đi cùng thì bác chia sẻ vợ đã mất, có mỗi đứa con đi làm ăn xa nên dù bệnh tật ốm đau cũng phải một thân một mình đi bệnh viện chữa trị. Thương hoàn cảnh của bác nên khi chở đến bệnh viện, anh đã nán lại làm mọi thủ tục thăm khám, nhập viện giúp. Xong mọi việc, khi chứng kiến cảnh người đàn ông già cả, bệnh tật, tay run run móc chiếc ví da sờn rách ra đếm từng đồng bạc lẻ để trả tiền xe ôm thì anh không cầm được nước mắt. Anh dúi nhanh vào tay bác 200.000 đồng là số tiền chạy xe ôm trong ngày, rồi rảo bước.
Quán cơm 2.000 đồng chia sẻ với bệnh nhân nghèo
Đã gần một năm nay, quán cơm 2.000Đ ở số 88 Phùng Khắc Khoan, TP.Vinh (Nghệ An) đã trở thành địa chỉ thân thương cho các bệnh nhân nghèo đang điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố. Anh Sơn cho biết ban đầu quán cơm mở ra là để giúp đỡ các bệnh nhân nghèo, nhưng rồi qua hoạt động, nhiều hoàn cảnh khó khăn khác như trẻ em lang thang cơ nhỡ, những người nghèo vô gia cư cũng tìm đến và quán cơm đều sẵn lòng cưu mang.
Đến nay, đội ngũ tình nguyện viên thường xuyên của quán đã lên đến 17 người, với đủ thành phần từ các học sinh, sinh viên đến các cụ già hưu trí. Anh cho hay nhờ các tình nguyện viên giúp sức nên quán cơm hàng ngày đã phục vụ khách ăn lên đến cả trăm suất. Để chuẩn bị các suất ăn, từ 6 giờ sáng, nhiều tình nguyện viên đã có mặt tại quán. Khi được hỏi nguồn thực phẩm từ đâu để đáp ứng cả trăm suất ăn một ngày như thế, anh Sơn cho biết phần lớn thực phẩm rau củ quả, trứng đều được các nhà hảo tâm gửi từ quê lên nên đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Những chuyến xe xuất phát từ TP.Vinh mang hàng chục tấn quà như khẩu trang, nước sát khuẩn, đồ bảo hộ y tế phòng dịch, giấy vệ sinh… đến chia sẻ với vùng dịch Bắc Ninh, Bắc Giang và tận Điện Biên. Rồi cũng từ những chuyến xe ấy, anh Sơn lại đứng ra kết nối, giải cứu nông sản cho người dân ở Bắc Giang. Trong những lần lên ý tưởng, đứng ra kêu gọi những tấm lòng hảo tâm, điều anh lo nhất là làm sao có thể cứu trợ, giúp đỡ kịp thời nhất, hiệu quả nhất đến những hoàn cảnh cần giúp đỡ.
Gặp anh, hình ảnh người đàn ông với khuôn mặt hiền lành, phúc hậu, luôn thường trực một nụ cười ấm áp là ấn tượng có lẽ nhiều người dễ cảm nhận được. Với tôi, anh Phan Hùng Sơn còn xứng đáng với biệt danh “hiệp sĩ” của những mảnh đời bất hạnh, chỗ dựa tinh thần lớn lao cho những hoàn cảnh khó khăn. Lời tâm sự thật thà, giản dị của anh trước lúc chia tay rằng, chính sự đồng lòng giúp sức của cộng đồng, sự chia sẻ của vợ con là sức mạnh để anh và các thành viên đội thiện nguyện nối dài những yêu thương đến những thân phận khốn khổ, éo le… Rõ ràng, hành trình thiện nguyện của anh Sơn không đơn độc bởi xung quanh anh luôn có sự đồng lòng giúp sức của cả cộng đồng. Và điều quan trọng hơn, chính anh là người truyền cảm hứng cho những tấm lòng nhân ái tiếp tục cho đi mà không cần nhận lại.
|