Các anh không thể nào quên… | Văn hóa

Phan Thúy Hà – cây bút nữ sinh năm 1979 – mấy năm nay nổi tiếng với mấy cuốn truyện “phi hư cấu”: Đừng kể tên tôi, Tôi là con gái của cha tôi, Gia đình đều do NXB Phụ nữ Việt Nam cấp phép, trong đó cuốn Đừng kể tên tôi ghi theo lời kể của các cựu chiến binh đã tái bản lần thứ 4. Những trích đoạn của các anh (NXB Phụ Nữ VIệt Nam- Quý 3/2021) tiếp tục bút pháp mấy cuốn trước, gồm 12 “trích đoạn” lời kể những thương binh may mắn còn sống đến hôm nay.

Những tác phẩm của Phan Thúy Hà ôm trùm một không-thời gian rộng lớn, chuyển tải đến bạn đọc những thông điệp rất có ý nghĩa đối với cuộc sống hôm nay. Trong bài báo ngắn này, chỉ có thể giới thiệu vài “trích đoạn” viết về cuộc chiến đấu và những hy sinh một thời đã xa, nhưng “các anh không thể nào quên”… và chúng ta cũng không thể nào quên!

Xin dẫn vài đoạn theo lời kể của cựu chiến binh Nguyễn Quý Hải, sinh năm 1952, nhập ngũ năm 1970, lính xe tăng, từng tham gia liền hai trận đánh chiếm Đông Hà. Trong trận đánh vào Đông Hà sáng ngày 9.4.1972:

“… Xe đi đầu bị trúng đạn, bốc cháy. Hai người trong xe nhảy ra. Mai – pháo thủ số 1, quần áo bắt lửa, nằm lăn lộn trên đất, lửa không tắt. Lửa cháy hết quần áo, cháy đến da thịt. Mai nằm bất động.

Xe thứ hai lùi lại. Do trưởng xe không có quan sát phía sau để chỉ huy lái xe, nên xe đã trèo lên một bên xích xe thứ ba, bị lật nghiêng 90 độ, một bên xích chổng lên trời. Chiếc xe bên trái tôi bị trúng đạn. Xe bốc cháy, lửa cháy dữ dội, không nhìn thấy ai nhảy ra…

Tham Khảo Thêm:  Sự viết và sự đọc của hoa hậu Nguyễn Thu Thủy

Chiếc xe nằm gần cao điểm 30 quân đội Sài Gòn chốt giữ. Ngày hôm sau vào lấy xác các anh, nhưng đến nơi bị chó trên chốt sủa và pháo sáng bắn lên, phải lui ra. Đến lần thứ ba mới lấy được. Các anh cháy thành than, căn cứ từng đụn than trong xe mà bốc vào 4 cái bi đông đựng nước của xe mang đi chôn…”.

Sau khi ra Quảng Bình nhận xe mới, ngày 27.4.1972, phối hợp với bộ binh sư đoàn 308, đại đội lại đánh vào thị xã Đông Hà lần nữa. Nguyễn Quý Hải lái xe số 2. Tiểu đoàn phó lên xe Hải và ra lệnh cho xe số 1 và số 3 xung kích.

“… Xe số 3 trúng đạn, lửa bốc cao, khói tỏa ra đen kịt, tôi nhìn thấy một người bị cháy nhảy ra, còn 3 người nữa không rõ thế nào. Xe số 1 không biết có trúng đạn không mà không thấy di chuyển nữa…

“Hải lùi xe phía sau”. Theo lệnh tiểu đoàn phó, tôi cài số lùi… vượt qua quả đối thấp sang bên kia, quân địch không nhìn thấy xe mình nữa. Tôi mở cửa xe nhìn xuống, nhìn thấy chính trị viên xe số 1 vừa đi lên, gần đấy là Sởi lái xe, bị trúng thương, tay đang ôm mặt, máu chảy ướt đẫm một vai áo, chảy cả xuống tà áo và ống quần…Chính trị viên bảo tôi xuống xe của ông lấy cái xắc cốt có khẩu K54 trong đó và cõng thương binh…Ông lo thoát thân, bỏ mặc thương binh…Nếu tôi chui vào xe đúng lúc xe bị cháy thì sao, phía trước quân hai bên vẫn đang đánh. Lời nói của chính trị viên là mệnh lệnh, khó chịu vẫn phải thực hiện. Một thoáng đắn đo. Tôi lao vút từ đỉnh đồi xuống vị trí xe số 1.

Văn pháo thủ số 2, ổ bụng bị vỡ, ruột phơi ra ngoài, nằm chết ngoài gầm xe. Long, pháo thủ, nằm trong gầm xe. Thấy có người đến, Long bò lết ra phía sau xe… Tôi đỡ Long dậy, quay lưng lại cho Long ôm vào cổ và chạy lên dốc. Mảng lưng áo của tôi ướt đẫm máu của Long. Đến lưng chừng dốc, một loạt đạn bắn với theo…

Đến tối vẫn không thấy người đến vận chuyển thương binh, liệt sĩ… Chúng tôi xuống xe số 1 khiêng xác Vấn lên xe tôi. Ba xe ra đi, chỉ có xe tôi trở về…”.

Tham Khảo Thêm:  Bác sĩ Bệnh viện Việt Đức đấu giá sách để góp quỹ vắc xin COVID-19

Tôi và có lẽ rất nhiều bạn đọc chưa bao giờ đọc những trang sách miêu ta chiến tranh bi thảm như thế! Tất nhiên, đây chỉ là một mũi tiến công. Cựu binh Hải cho biết, một mũi khác, 5 chiếc tăng cũng bị bắn hỏng.

Tại các mặt trận nằm sâu về phía Nam như ở Đồng Tháp Mười hay xung quanh Củ Chi, cuộc chiến cũng vô cùng gian nan và ác liệt.

Cựu chiến binh Nguyễn Thế Điệp, sinh năm 1947, nhập ngũ năm 1968, lính trinh sát kỹ thuật, sau một thời gian chiến đấu gần biên giới Campuchia, đầu năm 1970, về hoạt động ở tỉnh Kiến Tường, đúng vào những ngày Tết. Sau đây là một đoạn lời kể của anh với Phan Thúy Hà về mấy ngày hành quân sau trận chiến bi thảm ở “kênh Ngang”:

“… Chúng tôi theo hướng sáng nay các anh đi… Tôi xuống đìa để tránh làn đạn thẳng phía sau… Trong ánh sáng mờ của pháo sáng, tôi nhìn thấy xác đồng đội nằm khắp các bờ mương, dưới gốc tràm. Tại một đìa cạn, có chừng ba chục cái xác. Chúng tôi đành phải gạt các anh ra để lội tiếp… Ngày rúc trong cỏ, đêm đi. Không còn sen nữa thì ăn súng, ăn trang. Cây trang nhớt, nuốt không vô… Chín ngày đêm đi giữa đồng hoang, nằm dưới cỏ ngập phèn chua, người tôi vàng khè, gai sen cào xước da ứa máu khô…”.

Nhiều năm sau, anh luôn nghĩ về việc trở lại chiến trường xưa. Nhưng mãi tới năm 2014, vợ con anh mới có điều kiện góp tiền mua điện thoại chụp được ảnh, mua vé cho anh đi. Cứ nghĩ là các đồng đội hy sinh tại “Kênh Ngang” có thể đã đưa về nghĩa trang liên huyện Tân Thành-Thạnh Hóa, nhưng nghĩa trang mênh mông những hàng bia mộ trắng không tên! Nhưng rồi từ người quản trang, qua cán bộ Huyện đội Tân Hưng, anh tìm đến Sáu Dùng, người nông dân khi dùng máy đào gốc tràm, mở rộng diện tích trồng lúa, đã thấy nhiều hài cốt và lập miếu thờ, nhưng “từ bấy đến giờ chưa thấy ai đến thắp hương, hỏi thăm. Sáu Dùng nói, vào mùa lúa chín cánh đồng có hai màu vàng xanh rõ rệt. những đám lúa xanh ngắt, lỗ chỗ là nơi có hài cốt các chú. Tôi khóc òa lên không kiềm chế được nữa. Tôi gào gọi tên các anh…”.

Tham Khảo Thêm:  ‘Sau bóng tối’ - khúc tri âm trên những nẻo đường bụi đỏ | Văn hóa

Sau chuyến đi, anh viết “câu chuyện kênh Ngang” gửi cho 20 tờ báo, rồi kiến nghị các cơ quan chức năng quy tập liệt sĩ, xây đài tưởng niệm…, “nhưng không có gì cả”. Mãi gần đến ngày 27.7.2017, khi có điều kiện đưa bài lên Facebook, anh liên hệ được với Sơn là con một cựu binh cùng trung đoàn với anh và Sơn còn tìm được tư liệu trong kho lưu trữ đã hết hạn bảo mật của Mỹ… Năm 2018, trận địa “Kênh Ngang” được cấp bằng công nhận di tích lịch sử cấp huyện, nhưng “không hiểu vì lý do gì mà không nơi nào có danh sách liệt sĩ!” Sau bao nhiêu công phu liên hệ, tra cứu tài liệu, Sơn đã tìm ra danh sách 99 liệt sĩ…

Có thể gọi đây là những “góc khuất của chiến tranh” vì thắng lợi toàn cục.

“Góc khuất của chiến tranh” là câu của nhà phê bình-thiếu tá Ngô Thảo, một người con của Quảng Trị, đã chia sẻ với Phan Thúy Hà đêm 1.7.2021, khi những trang sách in chưa “ráo mực”:

“… Đây là lối đi giúp cho người đọc tiếp cận nhiều góc khuất của chiến tranh, mà những tác phẩm văn học, do nhu cầu hư cấu, khái quát, điển hình hóa đã bỏ qua.

Nếu những tác phẩm thành công về chiến tranh và cách mạng đã làm nên một đại lộ lớn hoành tráng, như những bản giao hưởng, thì bằng những mẩu ghi chép nhỏ, mà tính chân thực được bảo đảm bằng những cuộc đời cụ thể, Phan Thúy Hà đã tạo nên những khúc bolero đằm thắm tình người…” .

Chính vì thế, những cuốn sách “phi hư cấu” của Phan Thúy Hà đã được nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu ở cả 3 miền đánh giá cao, giúp bạn đọc hiểu thêm dân tộc ta đã giành chiến thắng với cái “giá” như thế nào, để càng biết ơn hàng triệu liệt sĩ, thương binh đã hiến dâng quãng đời đẹp nhất cho Tổ Quốc! 



Viết một bình luận