Đó là một chút lo lắng. Lo lắng khi Sài Gòn bỗng dưng trở bệnh, một Sài Gòn rất khác với những năm tháng đã từng. Đó là một chút băn khoăn. Băn khoăn cho cuộc sống nhiều thay đổi khi giãn cách kéo dài.
Và đó còn là một chút cảm giác bình yên. Bình yên khi được ở bên gia đình nhiều hơn bao giờ hết. Mỗi ngày không cần tiếng chuông đồng hồ báo thức. Không cần vội vã. Không cần mệt nhoài trên những con đường kẹt xe giờ cao điểm.
Bình yên bên mâm cơm gia đình với những món ăn “lâu rồi mới được”. Mà vốn dĩ bình thường vì bận rộn mà ta từng lãng quên.
Nhà tôi cũng giống bất kỳ gia đình nào trong “mùa giãn cách”. Cũng chuẩn bị sẵn đồ ăn, thức uống để hạn chế ra ngoài. Thật ra thì thời gian này có gì dùng nấy, không có nhiều lựa chọn.
Sau nhiều ngày biến tấu đủ kiểu với thịt thì tôi chợt phát hiện tủ lạnh còn xót lại phần cá lóc, đủ cho cả nhà một bữa cơm trưa. Tự dưng tôi nhớ quá món cá lóc kho bầu của ngày xưa, khi còn ở quê. Vậy là có ngay món ăn đậm vị quê từ tay “bếp trưởng” của gia đình – bà ngoại của con tôi.
Tôi gọi đây là “món nhà nghèo” vì hồi xưa ở dưới quê nấu món này không tốn tiền đâu. Miền Tây mà! Nên vườn nhà lúc nào cũng có sẵn trái bầu, trái mướp. Và buổi tối, chỉ cần cấm vài cần câu quanh mấy cái ao hay thả tấm lưới dưới mương theo con nước là thể nào cũng được một hai con cá lóc đồng.
Nhiêu đó thôi, đủ cho một bữa cơm ngon lành rồi.
Còn bây giờ, Sài Gòn đang “mùa giãn cách”, mua gì cũng khó, giá thì lại cao hơn lúc bình thường. Tự nhiên “món nhà nghèo” trở nên xa xỉ. Mua nguyên liệu hơi khó một chút nhưng chế biến món này dễ lắm.
Chuẩn bị nguyên liệu gồm cá lóc, trái bầu, hành lá, hành tím, tỏi, ớt và gia vị.
Cá lóc mua về làm sạch. Cắt khoanh hơi dày một chút. Để ráo nước. Sau đó ướp cá với nước màu, nước mắm, muối, đường, bột ngọt, hạt nêm, một ít tiêu, hành tím và tỏi băm.
Bầu gọt vỏ, rửa sạch, chẻ đôi và cắt thành từng khoanh.
Hành lá cắt gốc, hành tím, tỏi bỏ vỏ, rửa sạch.
Đây là món kho lạt, với lại là món ăn của người miền Tây nên mẹ tôi sẽ giảm mặn và thêm đường một chút. Tùy theo khẩu vị của mỗi gia đình có thể điều chỉnh gia vị cho vừa miệng. Sau khi ướp, để cá ngấm gia vị khoảng 20 phút.
Cá lóc kho bầu sẽ trọn vị hơn nếu có cá lóc đồng. Cá vừa bắt là nấu ngay. Nhưng thôi, những lúc thế này cá cấp đông vẫn thấy ngon!
Sau khi cá đã ngấm gia vị, bắt đầu đem kho. Cho cá lên bếp với lửa vừa phải, trở đều cho các khoanh cá săn lại thì thêm nước lọc vào xăm xắp mặt cá và đun sôi. Khoảng 10-15 phút, dùng đũa thử cá đã mềm thì tiếp tục cho bầu đã cắt khoanh vào.
Dùng đũa đè các khoanh bầu xuống cho ngấm gia vị và được chín đều. Nêm nếm lại cho vừa ăn. Đợi thêm vài phút cho nước sôi bùng trở lại thì tắt bếp.
Hành lá cắt thành sợi dài, ớt cắt khoanh mỏng cho vào để tăng độ thơm ngon của món ăn.
Sau khi đã tắt bếp không cần đậy nắp ngay, đợi vài phút cho cá nguội mới đậy nắp để bầu không bị nhũn do kín hơi.
Với món cá lóc kho bầu, độ mặn vừa phải, có vị ngọt nhẹ thì sẽ ngon. Vừa có cá vừa có rau thì không cần thêm món canh hay xào cũng được bữa cơm thơm lành mà “tạm” đủ chất giữa “mùa giãn cách”.
Giải khát bằng sinh tố thanh long mát lạnh
Sau bữa trưa, cả nhà lại được chiêu đãi sinh tố từ mấy trái thanh long được tặng hôm trước. Đâu cần sơn hào hải vị, mâm cỗ thịnh soạn. Bao nhiêu đó thôi cũng đủ căng dạ dày giữa những ngày sống chậm với Sài Gòn.
Và hơn thế, đó là những bữa cơm không vội vã, để gia đình được quây quần bên nhau, thưởng thức chút hương vị quê nhà. Rồi kể lại những kỷ niệm đẹp cho nhau nghe.
Tiếng cười và giây phút bình yên sẽ xua đi nỗi băn khoăn của Sài Gòn ngày giãn cách.
Nấu ăn những ngày giãn cách
Tuổi Trẻ Online mở chuyên mục Nấu ăn những ngày giãn cách để các chuyên gia ẩm thực, những người nổi tiếng giới thiệu những món ăn, thức uống dễ làm, hiệu quả lại đơn giản phù hợp những ngày giãn cách xã hội phòng chống dịch COVID-19.
Bạn đọc có món ngon, thức uống hay và muốn chia sẻ cùng mọi người, xin mời gửi bài, ảnh, video về email catkhue@tuoitre.com.vn. Bài được đăng tải sẽ được trả nhuận bút xứng đáng. Cảm ơn bạn đọc.