Chị chủ gánh hàng rong người nhỏ bé nhưng đôi tay thoăn thoắt. Chúng tôi đến, chị bỏ những miếng đậu đã chiên sơ vào chiên lại cho giòn. Chị bảo đậu của chị phải là đậu Mơ mềm mướt để khi rán từng miếng đậu lúc nào cũng ngoài giòn trong mềm vô cùng nóng hổi, giữ được vị béo bùi và mùi thơm đặc trưng. Không đậu nào sánh được với đậu Mơ nức tiếng Hà Thành thật. Những nắm bún tươi chị cắt vừa miệng bày ra đĩa, chị nói khẽ: “Bún của chị là bún Phú Đô đấy, các cô chú ăn một lần sẽ nhớ mãi”.
Trong câu chuyện với chị tôi biết một ngày chị bán được rất nhiều bún, từ 9 giờ sáng cho tới 4 – 5 giờ chiều là chị luôn tay, chồng chị phải ra phụ nữa. Gánh bún ấy nuôi sống cả gia đình chị, lo cho các con của chị ăn học đủ đầy.
Thịt chân giò luộc hàng chị lúc nào cũng tươi mới, chồng chị thái lát tròn mỏng, nhìn đẹp mắt vô cùng, khi ăn thịt chắc và ngọt hơn. Anh nhanh tay bày lên đĩa rồi rau thơm là ít rau húng, tía tô, kinh giới vài lát dưa chuột cắt xéo bày cùng lên.
Chị hỏi chúng tôi “Đố các cô chú biết bún của chị đắt hàng là vì sao?”. Chúng tôi ngớ người ra, đứa đoán do thịt ngon, đứa đoán do bún tươi, đậu giòn. Chị cười hiền bảo: “Món này quyết định chính lại ở mắm tôm đấy. Bất cứ ai đã từng một lần ghé qua đây đều không thể quên được hương vị mắm tôm pha ngon đặc biệt. Cốt mắm thơm, chị lấy từ Thanh Hóa với màu hồng và độ bông ngon khó đâu ở Hà Nội sánh bằng”, chị tự tin nói thế. Khi chúng tôi thưởng thức thì tuyệt thật. Chị cho tỏi, ớt vào mắm tôm, vắt chanh cho mắm nổi bọt, thêm vào một xíu đường, một xíu rượu trắng rồi đánh tan đều. Bát mắm tôm bông lên, thơm lừng, mắm không quá mặn, rất vừa miệng, ăn rồi nhớ mãi.
Bún đậu mắm tôm là món ăn dân dã gây nghiện nhất trong số các món ăn ngon ở Hà Nội. Món ăn quen thuộc này phủ sóng ở khắp nơi, từ góc phố, quán cóc, khu chợ cho đến những nhà hàng 5 sao thuần Việt. Thử một lần là bạn sẽ nghiện đấy.