TP – Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đánh giá dịch bệnh tại Bắc Giang đã được gom lại và chủ yếu ở địa bàn huyện Việt Yên. Ngoài ra các trường hợp truy xét trong cộng đồng cũng đã giảm rất nhiều. Tuy nhiên tỉnh này có 4 vấn đề cần làm để khống chế dịch sớm nhất.
“Chúng tôi hy vọng trong thời gian tới tình hình dịch của Bắc Giang sẽ lắng xuống. Số ca nhiễm cho đến bây giờ khoảng 3.000 ca. Trong đó số bệnh nhân nặng theo thống kê tại 2 đơn vị Bệnh viện Phổi và Bệnh viện đa khoa Bắc Giang là 50 ca, với các mức độ từ nặng đến nặng vừa và rất nặng, 2 bệnh nhân phải sử dụng máy thở nhân tạo (ECMO) là hệ thống cấp cứu hiện đại nhất” ông nói.
Thứ trưởng cho rằng Bắc Giang hiện đã xây dựng được bản đồ dịch tễ và đã khoanh vùng được một số điểm nóng. Tuy nhiên tỉnh này có 4 việc cần làm để khống chế dịch sớm nhất. Theo đó, đầu tiên là trong thời gian tới tỉnh Bắc Giang cần tiếp tục thực hiện việc giám sát dịch tễ một cách chặt chẽ thông qua các xét nghiệm để phát hiện một cách nhanh nhất và tiếp tục thực hiện các biện pháp cách ly cũng như thu dung, điều trị các bệnh nhân COVID-19.
Thứ hai, tỉnh Bắc Giang cũng đã có kế hoạch giãn cách vùng “rốn dịch” ở trong các thôn, xóm của huyện Việt Yên ra bên ngoài để giảm mật độ. Vấn đề thứ ba hết sức quan trọng đó là việc đưa các đơn vị vào sản xuất trở lại. Phải đảm bảo công nhân đi vào sản xuất an toàn, phải được xét nghiệm âm tính, quy trình sản xuất phải đảm bảo an toàn, đặc biệt là quy trình kiểm tra, giám sát trong khi sản xuất cũng phải tuân thủ các quy định của ngành y tế cũng như của tỉnh Bắc Giang. Vấn đề cuối cùng là triển khai tiêm vắc-xin cho công nhân.
“Tôi thấy rất mừng cho đến bây giờ tỉnh Bắc Giang đã triển khai tiêm hết cơ số vắc-xin mà Bộ Y tế cấp để tiêm cho công nhân. Đây là một dấu hiệu rất tốt. Chúng tôi hy vọng trong thời gian tới chương trình vắc-xin quốc gia sẽ tiếp tục đưa một số lượng vắc-xin nữa về Bắc Giang để có thể đảm bảo cho công nhân khi đưa vào sản xuất có miễn dịch đối với COVID-19”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói.
Thêm 254 ca mắc mới
Bộ Y tế cho biết, trong ngày 5/6, Việt Nam thêm 254 ca mắc mới, trong đó có 8 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh Tây Ninh 4, An Giang 2, Kiên Giang 1, Khánh Hoà 1. 246 ca ghi nhận trong nước tại Bắc Giang 149, Bắc Ninh 55, TPHCM 31, Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc, Bình Dương mỗi tỉnh 2 ca, Hà Nam, Tiền Giang, Lạng Sơn, Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở Đông Anh mỗi nơi 1 ca. Cùng ngày có 68 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, 15 tỉnh đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới.
Ngày 5/6, Bộ Y tế công bố 2 ca mắc COVID-19 tử vong. Như vậy Việt Nam đã có 53 ca tử vong từ khi dịch bệnh xuất hiện đến nay. Các bệnh nhân đều là những người mắc bệnh lý nền nặng trong thời gian dài.
Ông Dương Văn Thái, Bí thư tỉnh ủy Bắc Giang yêu cầu bên cạnh những mặt đã làm được, địa phương tiếp tục chấn chỉnh và khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian sớm nhất. Tăng cường, đẩy mạnh công tác xử lý đối với những trường hợp vi phạm về quy định phòng chống dịch, đặc biệt cần xác định trách nhiệm người đứng đầu, nếu để xảy ra sai sót phải xử lý nghiêm để làm gương.
Cùng ngày, Trung tâm hồi sức tích cực (ICU) đặt tại Bệnh viện Tâm thần Bắc Giang đã chính thức tiếp nhận 6 ca bệnh nặng đầu tiên được chuyển đến từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
TS. Nguyễn Thanh Xuân, bác sĩ chi viện từ Bệnh viện T.Ư Huế cho biết, đến 16h, Trung tâm ICU đã tiếp nhận 3 ca bệnh nặng được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh, gồm 2 bệnh nhân nam 36 tuổi và 32 tuổi cùng bệnh nhân nữ 41 tuổi. Tất cả đều là công nhân các khu công nghiệp Bắc Giang.
Tối cùng ngày, Trung tâm ICU tiếp nhận thêm 3 ca bệnh nặng cũng được chuyển đến từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Hiện tại, Trung tâm ICU được bố trí chia thành 5 ca làm việc, mỗi ca có 7 bác sĩ, hơn 10 điều dưỡng để theo dõi, điều trị các trường hợp được chuyển tới, mỗi ca làm việc 6 giờ, riêng bác sĩ làm 12 giờ/ca. Đây là trung tâm điều trị bệnh nhân nặng lớn nhất miền Bắc với quy mô 101 giường điều trị.
Tính đến chiều 5/6, các bệnh nhân được chuyển đến đều đang nằm điều trị tại tầng 1, nơi có đầy đủ oxy, khí nén và hệ thống hút trung tâm.
Hiện đội ngũ y, bác sĩ và các đơn vị hỗ trợ khác đang rất khẩn trương chuẩn bị tiếp nhận ca nặng trong thời gian tới. Với số lượng giường bệnh lớn, trung tâm sẽ có nhiều nhân lực về hồi sức cấp cứu là các y, bác sĩ đến từ Bệnh viện: T.Ư Huế, C Đà Nẵng, Đà Nẵng, Hữu nghị và khối bệnh viện tư nhân Hà Nội (Vinmec, Thu Cúc, Việt- Pháp…).