TS Phạm Hải Chung – Ảnh: NVCC
Cần thêm những công cụ khác
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, TS Phạm Hải Chung (giảng viên Viện Đào tạo báo chí và truyền thông, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) nói việc ban hành bộ quy tắc mang lại nhiều ý nghĩa và đáng ra nó nên được ban hành sớm hơn.
Bộ quy tắc chỉ cho cộng đồng biết chuẩn mực ứng xử trên mạng, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về việc họ nên ứng xử như thế nào trên môi trường Internet để có sự thấu cảm, tôn trọng nhau, là một công dân số có trách nhiệm.
Tuy nhiên, để bộ quy tắc đem lại hiệu quả, thực tế còn cần nhiều thứ khác như phải có hệ thống chế tài pháp luật hoàn chỉnh song hành, các nhà cung cấp nền tảng mạng phải thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của mình và rất cần có sự tham gia của giáo dục.
Về trách nhiệm của các nhà cung cấp nền tảng mạng, bà Hải Chung dẫn ví dụ năm 2016, khi bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội được ban hành ở châu Âu, EU đã ký với 4 nhà cung cấp nền tảng Google, Facebook, Microsoft, Twitter việc phải có điều khoản gỡ bỏ các phát ngôn gây thù ghét trong vòng 24 giờ.
Theo bà Chung, ở mỗi đất nước, chính quyền đều phải làm việc với các nhà cung cấp nền tảng mạng xã hội để có sự phối hợp tốt giữa hai bên, tạo ra môi trường mạng xã hội văn minh nhất.
Vì vậy, việc Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội đưa vào các quy tắc ứng xử cho các nhà cung cấp mạng xã hội, với những quy tắc cụ thể là rất tốt.
Hiện nay, các nhà cung cấp mạng xã hội đã có nhiều công cụ cho người dùng báo cáo những nội dung xấu, độc. Ngoài các nút báo cáo tài khoản giả mạo, thông tin bạo lực, xấu độc…, mới đây Facebook còn có nút cho người sử dụng mạng báo cáo tin giả.
Nhưng để các công cụ này phát huy hiệu quả làm lành mạnh mạng xã hội hơn, vẫn cần thêm ý thức cộng đồng và để có ý thức cộng đồng cần sự tham gia của giáo dục.
Giáo dục rất cần thiết và quan trọng để nâng cao nhận thức cho người dân và nâng cao năng lực số.
Nhiều lợi ích từ quy tắc cơ quan nhà nước nên phản hồi ý kiến trên mạng
TS Nguyễn Sĩ Dũng – Ảnh: VIỆT DŨNG
TS Nguyễn Sĩ Dũng – nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội – đặc biệt đánh giá cao quy tắc cơ quan nhà nước nên có phản hồi ý kiến trên mạng xã hội liên quan tới chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan, tổ chức mình, đặc biệt những vấn đề gây dư luận lớn do thiếu thông tin.
Theo ông Dũng, quy tắc này sẽ tạo điều kiện cho công chức có cơ sở phản hồi ý kiến trên mạng xã hội liên quan tới chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan, tổ chức mình. Khi chưa có quy tắc, nhiều khi các công chức không rõ làm thế nào là đúng.
Tuy chỉ là quy tắc không có tính chất ràng buộc, nhưng theo ông Dũng, nó cũng tạo khuôn khổ quan trọng để có những chính sách rõ ràng trong các cơ quan nhà nước. Và nếu cơ quan nhà nước thực hiện tốt quy tắc này sẽ mang lại 4 lợi ích cho xã hội.
Thứ nhất, giúp hiểu được sự phản ứng chính sách của cơ quan công quyền.
Thứ hai, trong những trường hợp chính sách của Nhà nước bị dư luận phê bình do chưa hiểu rõ vì thiếu thông tin, phản hồi của cơ quan nhà nước rất quan trọng để giải tỏa bức xúc xã hội không đáng có do thông tin không đầy đủ.
Thứ ba, giúp chính sách pháp luật vào cuộc sống xã hội tốt hơn. Khi người dân thấu hiểu chính sách họ sẽ ủng hộ, giúp chính sách pháp luật dễ đi vào cuộc sống hơn.
Thứ tư, những lợi ích này đưa đến một lợi ích lớn hơn là giúp gắn kết xã hội.
Giáo dục không “xả rác” để bớt phải “dọn rác”
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Quang Thạch – sáng lập chương trình Sách hóa nông thôn – nói ông rất hoan nghênh bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội và cũng kỳ vọng nó sẽ góp phần làm mạng xã hội phát triển lành mạnh hơn thời gian qua.
Tuy nhiên, với vai trò nhà hoạt động giáo dục, ông Thạch cho rằng để bộ quy tắc ứng xử phát huy tốt hiệu quả như kỳ vọng, cái cốt lõi là phải “sửa” từ giáo dục.
“Mạng xã hội là nơi phản chiếu nền tảng tri thức và các giá trị xã hội. Ngôn từ tục tĩu trên mạng xã hội, quảng cáo kiếm tiền bằng mọi giá, bôi nhọ cá nhân hay thông tin thiếu kiểm chứng, sai sự thật về người khác cho thấy sản phẩm của giáo dục nhiều lỗi” – ông Thạch lý giải.
Vì vậy, để mạng xã hội “sạch”, cách tốt nhất là xây dựng nền giáo dục nuôi dưỡng sự trân quý tri thức và phẩm giá con người.
“Chúng ta không thể quét hết rác ngoài đường phố khi trong mỗi con người luôn xem xả rác là bình thường. Mạng xã hội chỉ sạch khi người tham gia quản lý xã hội tự tin minh bạch tài sản, tự tin sống sạch với đồng lương của mình, khi giáo viên không làm con buôn giáo dục bằng dạy thêm kiến thức trong sách giáo khoa.
Hãy chữa mọi thứ từ gốc. Không công nhân môi trường nào có thể dọn sạch một dòng sông khi hàng ngàn hộ dân vẫn xả rác vào dòng sông mỗi ngày”, ông Thạch nói.