Biến nhà thành sàn tập múa giữa dịch Covid-19 | Văn hóa

Dịch Covid -19 đang tái bùng phát ở nhiều tỉnh thành, đặc biệt ở TP.HCM với việc giãn cách xã hội khiến các hoạt động văn hóa nghệ thuật và giải trí đều ngưng trệ, những người làm nghệ thuật gần như án binh bất động. Với những diễn viên, ca sĩ, họ vẫn có thể luyện thanh, tập bài hát mới, học kịch bản tại nhà, nhưng với các nghệ sĩ múa thì dường như rất khó để tập luyện khi thiếu vắng sàn tập.
Thời gian này, nghệ sĩ múa Vũ Minh Anh của Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen (TP.HCM) đã biến căn phòng gần 40 m2 thành sàn tập múa. “Múa khác biệt các ngành nghệ thuật khác, dù tuổi nghề không dài nhưng suốt hành trình làm nghề phải là sự tập luyện bền bỉ mỗi ngày. Được lên sân khấu luôn là cảm giác hạnh phúc nhất của người nghệ sĩ, nhưng dịch bệnh không làm cho mọi việc thuận lợi…”, cô cho biết.




Biến nhà thành sàn tập múa giữa dịch Covid-19 - ảnh 1




Biến nhà thành sàn tập múa giữa dịch Covid-19 - ảnh 2

Minh Anh từng đoạt giải nhì cá nhân hạng mục Múa dân tộc tại Seoul International Dance Competition và giải nhì múa đôi K.U.A.C.E Minister Award International Dance Competition tại Hàn Quốc năm 2018

Thế nên, theo Minh Anh, thay vì lên sân khấu thì với mỗi nghệ sĩ múa, cảm giác được đổ mồ hôi ở sàn tập, dẫu là sân tập tạm tại nhà, vẫn rất thú vị. Cô cho biết đã biến phòng khách của nhà bố mẹ thành không gian tập. “Ở đó tôi có thể tự tập một mình hoặc tập cùng một đồng nghiệp cho những điệu múa đôi. Những ngày tưởng chừng trói chân trói tay này lại có một sức mạnh vô hình nào đó làm tôi thêm yêu và muốn cống hiến với múa hơn nữa”, nghệ sĩ múa Minh Anh chia sẻ.




Biến nhà thành sàn tập múa giữa dịch Covid-19 - ảnh 3




Biến nhà thành sàn tập múa giữa dịch Covid-19 - ảnh 4

Không chỉ với bạn bè, đồng nghiệp trong nước, các bạn bè, thầy cô tại Trung Quốc cũng chia sẻ cùng nhau những bài tập, cập nhật tình hình dịch bệnh ở mỗi nước…

Sinh năm 1996, từ 4 tuổi Minh Anh đã theo học múa tại lớp đào tạo Những ngôi sao nhỏ của vợ chồng NSND Đặng Hùng – Vương Linh. Dẫu gia đình không ai theo nghệ thuật nhưng Minh Anh có niềm đam mê bất tận với múa. Cùng với sự dẫn dắt của những thầy, cô là những nghệ sĩ: NSND Vương Linh, NSND Đặng Hùng, nhà giáo nhân dân Kim Dung…, 11 tuổi Minh Anh đã có học bổng theo học múa dân gian tại Học viện Nghệ thuật Quảng Tây (Trung Quốc). Suốt từ 2007 cho đến 2013 tốt nghiệp trở về, tình yêu và đam mê dành cho nghệ thuật múa của Minh Anh cứ thế lớn dần lên. “Tôi không muốn mình dừng ở sàn diễn, tôi muốn mình là một biên đạo và xa hơn có thể là những dự án cá nhân làm mới mẻ hơn các điệu múa cổ truyền Việt Nam”, cô nói.

Đến thời điểm hiện tại, Minh Anh vẫn đang nhận học bổng theo học ngành biên đạo múa tại Học viện Nghệ thuật Quảng Tây (Trung Quốc), tuy nhiên từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc rồi Việt Nam, Minh Anh đang kẹt lại ở TP.HCM.




Biến nhà thành sàn tập múa giữa dịch Covid-19 - ảnh 5




Biến nhà thành sàn tập múa giữa dịch Covid-19 - ảnh 6

Với tài năng của mình, Minh Anh đã có cơ hội cùng các nghệ sĩ múa lưu diễn tại Trung Quốc, Mỹ, Pháp, Nhật Bản…

Gần một năm chưa trở lại Trung Quốc, nhưng việc “bị kẹt lại” vì dịch ở Việt Nam không hề làm nghệ sĩ trẻ này mất lửa. “Các bạn đồng nghiệp ở Việt Nam chia sẻ nhau rất nhiều hình ảnh, câu chuyện mỗi ngày. Người thì tập ở nhà, người tập trên sân thượng… ai ai cũng cố gắng để mỗi ngày được múa. Ở đó, nghệ sĩ múa như chúng tôi vẫn âm thầm tập luyện và truyền năng lượng tích cực cho nhau dẫu mỗi người đều đang ở nhà không đi tập, đi diễn cùng nhau”, Minh Anh thổ lộ.

Theo Minh Anh, không chỉ với bạn bè, đồng nghiệp trong nước, các bạn bè, thầy cô tại Trung Quốc cũng chia sẻ cùng nhau những bài tập, cập nhật tình hình dịch bệnh ở mỗi nước. “Mỗi lần mở nhóm trò chuyện của lớp, tôi lại thấy xao xuyến bởi mọi người dù đang kẹt mỗi nơi nhưng đều vẫn nhớ tới nhau. Các bạn thường xuyên hỏi thăm Minh Anh cũng như tình hình dịch tại Việt Nam”, Minh Anh cho biết.



Tham Khảo Thêm:  'Ở đậu trong nhau' - Tiếng của loài di trú buồn | Văn hóa

Viết một bình luận